Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: Cần có chế tài đủ mạnh để xử lý

Nội dung bài viết

Thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam và dự báo tiếp tục bùng nổ. Thế nhưng, đi kèm theo đó là các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng trở nên phổ biến. Đây là thách thức lớn đối với cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp (DN), bởi việc kiểm soát và xử lý vi phạm về SHTT còn gặp nhiều khó khăn, chưa hiệu quả trên môi trường TMĐT ở Việt Nam hiện nay.

Thị trường TMĐT Việt Nam hiện có quy mô giá trị khoảng 4 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng lên tới 22%/năm. Tuy nhiên, do đặc tính vô hình của quyền tác giả và phạm vi gần như vô hạn của internet, các trang web thường xuyên xuất bản các tác phẩm được bảo vệ quyền tác giả mà chưa có sự cho phép của chủ thể; các sản phẩm giá rẻ vi phạm quyền sở hữu về nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp được giao dịch thông qua các trang web mua bán trực tuyến của bên thứ ba.

Sự bùng nổ của internet khiến các tên miền ngày càng trở nên có giá trị, nhu cầu có tên miền riêng tăng, do vậy, hoạt động chiếm đoạt tên miền cũng phổ biến hơn. Sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT) đã tạo ra những bước tiến khổng lồ tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống xã hội. Dịch vụ trên internet ngày càng phong phú, đa dạng phục vụ nhu cầu của nhiều người. Bên cạnh những mặt tích cực, internet cũng có những mặt trái và đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đặc biệt là trong lĩnh vực SHTT.

Theo Bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh thanh tra Bộ KH-CN, cho biết hiện có 3 dạng hành vi vi phạm phổ biến trong môi trường số là: xâm phạm quyền SHTT về nhãn hiệu sản phẩm, hàng hóa; cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền; quảng cáo hàng hóa vi phạm.

Trong khi đó, việc kiểm soát các hành vi vi phạm gặp nhiều vướng mắc do cơ quan quản lý khó xác định được tổ chức và cá nhân vi phạm, khó thu thập chứng cứ về yếu tố xâm phạm và xác định giá trị hàng hóa xâm phạm. Nhiều khi cơ quan chức năng tìm đến địa chỉ đăng ký thông tin trên mạng, nhưng đến nơi mới biết địa chỉ này là giả, hoặc đối tượng đã chuyển đi chỗ khác.

Những khó khăn, thách thức nói trên cho thấy sự cần thiết phải thiết lập quy trình kiểm soát các trang web giao dịch trực tuyến. Theo đó, các trang web, sàn giao dịch trực tuyến để xảy ra việc bán hàng giả mạo tràn lan có thể bị đóng bởi nhà cung cấp dịch vụ internet liên quan (ISP).

Trường hợp người sử dụng mạng có hành vi vi phạm thông qua dịch vụ mạng, chủ sở hữu có thể thông báo cho ISP và đề xuất các biện pháp khắc phục cần thiết như xóa bỏ, hạn chế truy cập hoặc ngắt kết nối. Đặc biệt, các cơ quan thực thi cần rà soát, xây dựng các chính sách, chế tài đủ mạnh nhằm bảo hộ SHTT trong môi trường TMĐT được đầy đủ và tốt nhất.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan