Tệ nạn xâm phạm bản quyền sách vẫn tiếp diễn

Nội dung bài viết

Tự ý thu âm, phát tán sách nói, hay tự dịch một tác phẩm đã được nhà xuất bản khác mua bản quyền, tự ý in sách nối bản không cần xin phép tác giả… đang là vấn nạn hiện nay.

Từ vi phạm sách nói, sách in trong nước...

Mới đây, đại diện Câu lạc bộ (CLB) sách Sài Gòn (Chibooks và Huy Hoàng Bookstore) đã phát hiện thấy Công ty Yeah1 Network có hành vi công khai tuyển dụng cộng tác viên thu âm sách nói không bản quyền từ ngày 7.7. Trong đó có sách của Alphabooks và đã được Alphabooks xác nhận rằng không hề bán bản quyền thu âm làm audio book cho Yeah1.

Sau khi bị phản ứng dữ dội trên mạng xã hội của Yeah1 Network có tên Yeah1 Tuyển dụng, bên Yeah1 ban đầu thừa nhận có kế hoạch tuyển cộng tác viên để thu âm làm tủ sách nội bộ 1.000 đầu sách.

Đến chiều 10.7, đại diện công ty bị phản đối đã liên lạc với dịch giả Lệ Chi - đại diện CLB Sách Sài Gòn - để xin lỗi, cam kết sẽ xóa bỏ thông tin tuyển cộng tác viên đọc sách, xóa group đọc sách.

Tương tự, Nhà xuất bản (NXB) Trẻ vừa phát hiện trang facebook mang tên Nguyễn Ngọc Hưng đang dịch và chia sẻ cuốn sách “Marketing 4.0” của Philip Kotler một cách bất hợp pháp. Trang Facebook này cũng kết nối với trang của Công ty Yeah1 Network cho bản dịch này (ảnh).

Trên thực tế, NXB Trẻ đã mua bản quyền cuốn “Marketing 4.0” của Philip Kotler. Quyển sách đang trong quá trình dịch để chuẩn bị xuất bản. Chính vì thế, NXB Trẻ đã ra thông báo: “Bất cứ cá nhân hoặc đơn vị nào dịch và phát hành cuốn sách này đều là vi phạm bản quyền. Chúng tôi sẽ có những biện pháp cần thiết để xử lý theo đúng Luật Sở hữu trí tuệ và Công ước Berne.”

Ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc Cty sách First News, cũng xác nhận hơn 400 đầu sách ăn khách của công ty ông như “Đắc nhân tâm”, “Quẳng gánh lo đi”, “Hạt giống tâm hồn”, “Quà tặng diệu kỳ”... đều bị làm lậu cả sách điện tử, sách nói trên nhiều trang web lẫn mạng xã hội.

Đến in nối bản sách của tác giả Hàn Quốc

Sau nhiều lần gặp đối tác bàn thảo nhưng không thành, mới đây, tác giả Hàn Quốc Woo Bo Hyun lại gửi đơn kêu cứu Cục Xuất bản. Theo đó, ông kiến nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam xem xét xử lý đối với Cty sách MCBooks.

Cụ thể, sau một thời gian hợp tác với Cty MCBooks, ông Woo Bo Hyun phát hiện MCBooks đã vi phạm bản quyền và gian lận thương mại với 7 quyển sách của ông, không thanh toán đúng tiền tác quyền đầy đủ, cung cấp thông tin sai lệch về bản báo cáo số lượng in trong thực tế. Ông nhấn mạnh MCBooks đã vi phạm Luật Bản quyền tác giả và muốn chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Tuy nhiên, không hiểu sao MCbooks vẫn có thể bình tâm in thêm sách của ông.

“Hiện tại MCBooks vẫn hoạt động hết sức bình thường. Không liên kết với NXB Đại học Quốc gia Hà Nội thì MCBooks liên kết với các NXB khác. Dừng cấp phép in sách của tôi thì MCBooks in nối bản. Tôi cứ nghĩ MCBooks im lặng là để né tránh trách nhiệm, hóa ra là dửng dưng ngang nhiên coi thường luật pháp, thách thức tôi, thách thức nhà xuất bản, thách thức Cục Xuất bản, thách thức dư luận...” - ông Woo Bo Hyun chia sẻ.

Khi được hỏi về vụ việc trên, ông Nguyễn Văn Cường - đại diện của MCBooks cho rằng vẫn còn có những “hiểu lầm” giữa hai bên đến nay chưa giải quyết được. Ông cũng từng gặp trực tiếp ông Woo Bo Hyun, nhưng đến nay cả hai bên đều chưa thống nhất được quan điểm cũng như chuyện thanh toán nhuận bút.

Vào ngày 11.7, Văn phòng phía Nam - Hội Xuất bản Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh đã có cuộc họp với các thành viên CLB Sách Sài Gòn nhằm trao đổi về vấn đề tác quyền. Qua phản ánh của các đơn vị, Văn phòng phía Nam của Hội Xuất bản Việt Nam nhận thấy tình trạng sao chép, vi phạm bản quyền trên mạng đang ngày càng diễn biến trầm trọng và phức tạp.

Chính vì vậy, Văn phòng phía Nam - Hội Xuất bản Việt Nam đề nghị tất cả các đơn vị xuất bản, phát hành sách cần phải chung tay, phối hợp đấu tranh với người vi phạm bằng các động thái như phối hợp với nhau (share các bài phát hiện những trường hợp vi phạm) để phản ánh rộng rãi trên Facebook, website... tạo nên tiếng nói mạnh mẽ phê phán tình trạng này. Nếu đơn vị nào có những tác phẩm, sách bị xâm hại bản quyền thì nên phản ánh ngay về văn phòng Hội. Trong email phản ánh cần nêu rõ: Liệt kê các tác phẩm bị vi phạm bản quyền, tên các đơn vị xâm phạm bản quyền, có hình ảnh rõ ràng để làm chứng cứ trình báo (chụp màn hình)... Sau khi tổng hợp đầy đủ chứng cứ, Văn phòng Hội sẽ phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật tìm ra biện pháp đấu tranh và xử lý thích hợp.

Nguồn: http://laodong.com.vn/van-hoa/te-nan-xam-pham-ban-quyen-sach-van-tiep-dien-686059.bld

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan