Vụ Khaisilk: "Made in" và Trò Chơi Biến Hình Của Các Con Chữ

Nội dung bài viết

Tờ Herald Sun tại Úc từng đưa ra một câu hỏi giật mình tại sao quả mọng Berry được trồng tại các tỉnh ô nhiễm nhất Trung Quốc lại có mặt trên các kệ sản phẩm ở Úc? Nó cũng có một phần liên hệ với sự hoảng hốt của người tiêu dùng Việt đối với một thương hiệu Việt lâu đời Khaisilk khi nguồn gốc thực của sản phẩm được đưa ra ánh sáng.

Bản đồ "Made in" các quốc gia

Nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm tạo thành giá trị cũng như sức cạnh tranh không nhỏ cho sản phẩm. Chính vì vậy, tồn tại bảng xếp hạng "Made in" các quốc gia. Theo xếp hạng của Statista năm 2017 đứng đầu là Đức, tiếp sau là các quốc gia Châu Âu, Anh, Nhật Bản, Úc. Một điều đáng lưu ý trong bảng xếp hạng này "Made in Vietnam" lại cao hơn 3 bậc so với "Made in China".

Chính vì hiểu được giá trị của nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá đối với thị hiếu của người tiêu dùng nên trò chơi biến hình với các con chữ "Made in" đã trở nên phổ biến tại nhiều quốc gia. Dư luận Trung Quốc đã từng giật mình khi một loạt sản phẩm được coi là "Made In Japan" nhưng thực chất lại được sản xuất chính trên đất nước họ. Nó cho thấy, kiểm soát được "Made In" không phải là việc đơn giản và vấn đề đánh tráo nguồn gốc thực của sản phẩm đang trở nên phổ biến.

"Made In" và trò chơi biến hình con chữ

Tại Úc, nơi rất nổi tiếng về chất lượng nông sản, hoa quả và cũng có quy định khắt khe về thế nào là "Made in" (Làm tại), "Made by" (Làm bởi), "Packed in"(đóng gọi tại) vẫn chứng kiến đủ các kiểu làm lệch hướng người tiêu dùng khi nhà sản xuất, kinh doanh biến hìnhnguồn gốc sản phẩm qua nghệ thuật con chữ. Một số từ phổ biến được dùng như sản phẩm địa phương (local products), sản phẩm tự nhiên, sản phẩm của (product of), trồng tại (grown in), tự hào sở hữu của người Úc (Proudly Australian owned) hoặc 100% sở hữu của người úc (100% Australian owned). Đây đều là những từ ngữ hai nghĩa nhằm lách luật và khiến người tiêu dùng mất phương hướng trong xác định nguồn gốc thực của sản phẩm. Vì vậy, nếu người sản xuất không tự trung thực thì quả thực người tiêu dùng sẽ "lãnh đủ".

Thương hiệu Khaisilk và "Made In Vietnam"

Việc ông chủ Khaisilk, doanh nhân Hoàng Khải thừa nhận đã nhập khẩu khăn “Made in China” và bán với thương hiệu Khaisilk đã khiến người tiêu dùng cảm thấy bị lừa dối vì đã tin tưởng vào một trong những thương hiệu nổi tiếng và lâu đời “Made in Vietnam” như Khaisilk. Ông Hoàng Khải cũng đã đưa ra lời xin lỗi chính thức cho hành vi của mình. Nhưng những lời xin lỗi này liệu có phải là tất cả những gì mà Khaisilk có thể phải gánh chịu?

Dưới góc độ pháp lý, Khaisilk đã thực hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật, vi phạm nghiêm trọng quyền lợi người tiêu dùng.

Theo quy định tại điểm e, khoản 8, Điều 8 của Nghị định 185/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 124/2015/NĐ-CP) thì “Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa” sẽ bị coi là hàng giả.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 của Nghị định số 19/2006/NĐ-CP thì trong trường hợp sản phẩm lụa do Khaisilk nhập khẩu về Việt Nam là sản phẩm đã được sản xuất ra toàn bộ hoặc thực hiện công việc chế biến cơ bản cuối cùng tại Trung Quốc, thì hàng hóa này phải được coi là có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc.

Việc thay đổi bao bì đóng gói và tháo dỡ hay lắp ghép các lô hàng, đóng chai, lọ, đóng gói, bao, hộp và các công việc đóng gói bao bì đơn giản khác sẽ không được coi là làm thay đổi nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa theo quy định tại Điều 9 của Nghị định số 19/2006/NĐ-CP.

Như vậy, nếu Khaisilk bán hàng hóa mà trên bao bì hàng hóa hoặc nhãn hàng hóa có chỉ dẫn “Made in Vietnam” trong khi hàng hóa thực chất là “Made in China” thì hành vi của Khaisilk sẽ bị coi là buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.

Cũng theo quy định của Điều 13 của Nghị định 185 thì hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa sẽ bị xử phạt tối đa là 20.000.000 – 30.000.000VNĐ đối với cá nhân và gấp đôi mức phạt này đối với tổ chức nếu hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 VNĐ trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ vào quy định nêu trên thì người có hành vi buôn bán hàng giả chỉ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính khi có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi ấy không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, dưới góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Khaisilk cũng đã vi phạm nghiêm trọng quyền của người tiêu dùng. Theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì người tiêu dùng có quyền Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa;

Việc Khaisilk bán hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng lại “nhập nhèm” là hàng sản xuất tại Việt Nam, có thể bị coi là hành vi “Che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng theo quy định” và có thể bị phạt ở mức từ 10.000.000 VNĐ – 20.000.000 VNĐ đối với cá nhân vi phạm hoặc gấp đôi với vi vi phạm là tổ chức.

Trong trường hợp hành vi của Khaisilk gây thiệt hại nghiêm trọng cho người tiêu dùng thì hành vi này có thể bị xem xét để xử lý theo tội Lừa dối khách hàng theo quy định tại Điều 162 của Bộ luật hình sự năm 1999.

Việc xác định Khaisilk đã vi phạm quy định pháp luật nào về sản xuất, buôn bán hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc này một mặt là để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mặt khác cũng là để bảo vệ những doanh nhân Việt đang làm ra những sản phẩm "Made In Vietnam" theo đúng nghĩa.

Công bằng mà nói, nếu chúng ta muốn đẩy mạnh phong trào Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt thì trách nhiệm đảm bảo "Đúng là hàng Việt" không chỉ phụ thuộc vào độ trung thực của người sản xuất mà còn trông đợi vào vai trò của Chính phủ, của nhà làm luật. Cụ thể, đó chính là trách nhiệm của họ khi đưa ra được một quy định rõ ràng về nguồn gốc của sản phẩm.

Quay trở lại với thị trường Việt Nam, khi số phận của những "Hàng Việt" chưa biết sẽ đi đâu về đâu và người tiêu dùng vẫn đang hoài nghi về nguồn gốc thật của sản phẩm thì vụ việc như thế này thật sự làm gây tổn thương đến niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt. Những mất mát về vật chất có thể được bù đắp, nhưng niềm tin mất đi thì sẽ khó lấy lại.

Luật sư Phạm Duy Khương từ SBLAW

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan