Việt kiều có được nhận tài sản thừa kế?

Nội dung bài viết

Mặc dù khi người dân rời quê hương và định cư ở nước ngoài (Việt kiều) nhưng quyền và lợi ích hợp pháp của họ vẫn luôn được đảm bảo tại Việt Nam, trong đó, bao gồm cả quyền thừa kế di sản của người thân trong nước. Thủ tục khai nhận di sản thừa kế thông thường không quá phức tạp, tuy nhiên, với đối tượng là Việt kiều cần có những điều kiện nhất định để thực hiện thủ tục này.  Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW tư vấn cho bà con Việt Kiều về vấn đề: Việt kiều có được nhận tài sản thừa kế?

Câu hỏi nhờ luật sư tư vấn:

Câu 1: Thưa luật sư, Người thừa kế được nhắc ở đây là Người Việt Nam ở nước ngoài, nhưng trong nhiều quy định hiện nay chia làm 2 đối tượng, một là người Việt còn gốc Vn và người Việt không còn gốc Vn. Vậy điều này có ảnh hưởng gì đến việc thừa kế không?

Trả lời:

Việt kiều, được hiểu theo Giải thích từ ngữ của Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 là để chỉ “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài” và “Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài”. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài. Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

Theo quy định của pháp luật về thừa kế hiện hành chỉ những trường hợp bị tước quyền thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế theo Điều 626 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì mới không được hưởng di sản thừa kế. Ngoài ra, khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về những trường hợp không có quyền hưởng di sản thừa kế. Không có đề cập riêng gì về Việt kiều trong quy định về thừa kế trong Bộ luật Dân sự.

Như vậy, “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài” và “Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài” đều có quyền thừa kế theo di chúc và theo pháp luật Việt Nam.

Câu 2: Những di sản thừa kế nào mà Việt kiều có quyền thừa kế tại VN?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 610 Bộ luật Dân sự 2015 Quyền bình đẳng về thừa kế, mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật; không giới hạn quyền hưởng di sản giữa người trong nước, người nước ngoài hay người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Tuy nhiên, Việt kiều thuộc một trong những trường hợp không được quyền hưởng di sản thừa kế theo Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 “Người không được quyền hưởng di sản” thì không được hưởng di sản thừa kế tại Việt Nam.

Câu 3: Vậy những trường hợp nào không có quyền thừa kế theo luật pháp VN?

Trả lời:

Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 về Người không được quyền hưởng di sản quy định:

 Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

  1. a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
  2. b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
  3. c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
  4. d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

Câu 4: Điều kiện để Việt Kiều để nhận thừa kế gồm những gì?

Trả lời:

Tuy rằng Việt kiều được quyền hưởng di sản không khác gì người trong nước bình thường, tuy nhiên để có quyền sở hữu được những di sản bất động sản như nhà ở, quyền sử dụng đất thì lại cần những lưu ý đặc biệt hơn.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Nhà ở 2014, Việt kiều thuộc đối tượng được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, căn cứ khoản 1 Điều 186 Luật Đất đai 2014 và Điều 8 Luật Nhà ở 2014, để được công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở khi nhận thừa kế tại Việt Nam thì Việt kiều phải là đối tượng được phép nhập cảnh vào Việt Nam. Theo đó, Việt kiều được hưởng thừa kế nhà ở và thuộc đối tượng được phép nhập cảnh tại Việt Nam thì sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) đối với nhà ở đó. Ngược lại, trong trường hợp Việt Kiều được hưởng thừa kế nhà ở tại Việt Nam nhưng không thuộc đối tượng được sở hữu nhà theo quy định thì chỉ được hưởng giá trị của phần thừa kế đó. Có nghĩa là người này không được cấp Giấy chứng nhận tại Việt Nam nhưng có quyền định đoạt (chuyển nhượng hoặc được tặng cho) nhà ở được thừa kế cho các đối tượng được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam mà không được thực hiện những quyền khác của chủ sở hữu.

Điểm đ Khoản 1 Điều 179 Luật Đất đai 2013, cá nhân sử dụng đất có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật. Trường hợp người được thừa kế là Việt kiều thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 186 của Luật này thì được nhận thừa kế quyền sử dụng đất. Ngược lại, nếu không thuộc đối tượng được quy định thì chỉ được hưởng giá trị của phần thừa kế đó. Theo đó, điều kiện để Việt kiều nhận thừa kế quyền sử dụng đất được quy định cụ thể như sau:

  • Việt kiều phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam;
  • Việt kiều thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở.

Trường hợp Việt kiều không đủ các điều kiện như trên thì không được cấp Giấy chứng nhận nhưng được quyền định đoạt (chuyển nhượng hoặc được tặng cho) quyền sử dụng đất thừa kế theo quy định sau đây:

  • Trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế được đứng tên là bên chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất;
  • Trong trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất thì người được tặng cho phải là đối tượng được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 179 của Luật này và phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở, trong đó người nhận thừa kế được đứng tên là bên tặng cho trong hợp đồng hoặc văn bản cam kết tặng cho;
  • Trong trường hợp chưa chuyển nhượng hoặc chưa tặng cho quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế hoặc người đại diện có văn bản ủy quyền theo quy định nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào Sổ địa chính.

Câu 5: Trình tự, thủ tục để người Việt Nam tại nước ngoài nhận tài sản thừa kế là gì?

Trả lời:

Thủ tục để Việt kiều khai nhận di sản thừa kế được quy định tại Luật Công chứng 2014 và Nghị định 29/2015/NĐ-CP Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng. Theo đó, để nhận di sản thừa kế thì Việt kiều thực hiện thủ tục như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ yêu cầu khai nhận di sản thừa kế

Việt kiều nộp hồ sơ yêu cầu khai nhận di sản thừa kế tại trụ sở tổ chức hành nghề công chứng.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

Sau khi nộp đủ hồ sơ, giấy tờ, Công chứng viên sẽ tiến hành xem xét, kiểm tra:

Nếu hồ sơ đầy đủ: Công chứng viên tiếp nhận, thụ lý và ghi vào sổ công chứng;

Nếu hồ sơ chưa đầy đủ: Công chứng viên hướng dẫn và yêu cầu bổ sung;

Nếu hồ sơ không có cơ sở để giải quyết: Công chứng viên giải thích lý do và từ chối tiếp nhận hồ sơ.

Bước 3: Niêm yết việc thụ lý Văn bản khai nhận di sản

Sau khi hồ sơ được tiếp nhận, tổ chức hành nghề công chứng sẽ tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản; trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó. Thời gian niêm yết là 15 ngày.

Bước 4: Hướng dẫn ký Văn bản khai nhận di sản

Sau 15 ngày niêm yết mà không có khiếu nại, tố cáo thì tổ chức hành nghề công chứng thực hiện giải quyết hồ sơ:

Nếu đã có dự thảo Văn bản khai nhận: Công chứng viên kiểm tra các nội dung trong văn bản đảm bảo không có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội…

Nếu chưa có dự thảo: Công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người khai nhận di sản. Sau khi soạn thảo xong, người thừa kế đọc lại nội dung, đồng ý và sẽ được Công chứng viên hướng dẫn ký vào Văn bản khai nhận di sản thừa kế.

Bước 5: Ký chứng nhận

Việt kiều xuất trình bản chính của các giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu khai nhận di sản thừa kế để Công chứng viên đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của văn bản.

Bước 6: Trả kết quả

Việt kiều nộp phí công chứng và nhận văn bản khai nhận phần di sản mà mình được thừa kế.

Câu 6: Việt kiều khi nhận tài sản thừa kế có mất chi phí nào không?

Trả lời:

Việt kiều khi nhận tài sản thừa kế có thể mất một số chi phí sau:

Để hoàn thiện các chi phí làm thủ tục thừa kế cần nộp phí công chứng khi làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại phòng công chứng, mức phí này được quy định tại điểm a4 khoản 2 Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC quy định về một số loại phí, lệ phí trong hoạt động công chứng, chứng thực. Theo đó, mức thu phí công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản được tính trên giá trị di sản. Ví dụ: Giá trị tài sản từ trên 100 triệu đồng đến 01 tỷ đồng thì thu 0,1% giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch; Từ trên 01 tỷ đồng đến 03 tỷ đồng thì thu 01 triệu đồng + 0,06% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 01 tỷ đồng…

Đối với thuế thu nhập cá nhân, những trường hợp được quy định tại  điểm d khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp phải nộp thuế thu nhập cá nhân từ nhận thừa kế được quy định tại khoản 9 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC “Thu nhập từ nhận thừa kế là khoản thu nhập mà cá nhân nhận được theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật về thừa kế…”. Căn cứ khoản 4 Điều 16 Thông tư 111/2013/TT-BTC, số thuế thu nhập cá nhân phải nộp khi nhận thừa kế bất động sản được xác định theo công thức sau: Thuế thu nhập cá nhân = 10% x Thu nhập tính thuế.

Việt kiều khi khai nhận thừa kế di sản nếu là bất động sản cũng có thể sẽ phải đóng lệ phí trước bạ. Khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở là di sản thừa kế giữa những người được quy định tại  khoản 10 Điều 10 Nghị định 10/2022/NĐ-CP thì được miễn lệ phí trước bạ. Ngoài những trường hợp được miễn lệ phí trước bạ thì người nhận thừa kế khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở phải nộp lệ phí trước bạ theo công thức sau: Lệ phí trước bạ = 0.5% x Giá trị bất động sản

Câu 7: Thưa luật sư, trong trường hợp tài sản thừa kế đang trong trường hợp tranh chấp, khiếu kiện thì phải làm sao ạ?

Trả lời:

Trên thực tế, tài sản trong tình trạng tranh chấp phổ biến nhất là đất đai. Theo khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013 “Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”. Khi thực hiện chia thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật cần phải tuân thủ các quy định về việc chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất. Bởi lẽ, sau khi lập di chúc hoặc người chủ sở hữu mảnh đất, thửa đất qua đời, ngoài các tài sản là động sản, tiền mặt, tiền tiết kiệm,… người được nhận thừa kế cần phải làm thủ tục kê khai di sản thừa kế tại phòng công chứng và sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi đó, họ mới được công nhận thừa kế mảnh đất, thửa đất đó.

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định khi chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất phải có đủ các điều kiện, trong đó có “Đất không có tranh chấp”. Như vậy, căn cứ theo Luật Đất đai 2013, thửa đất bị tranh chấp sẽ không được sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người được thừa kế. Tức là Nhà nước sẽ không công nhận việc thừa kế di sản là đất đang bị tranh chấp cho người được nhận thừa kế.

Câu 8: Thưa luật sư, trong trường người được thừa kế không về VN dc thì có được ủy quyền, ủy thác làm thủ tục được không?

Trả lời:

Nếu người thừa kế không về được Việt Nam thì người đó có thể ủy quyền để người trong nước thay mặt mình tiến hành thủ tục khai nhận di sản theo quy định của pháp luật. Việc ủy quyền được thực hiện tại cơ quan đại diện ngoại giao của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước mà người đó đang sinh sống, như Đại sứ quán, Lãnh sự quán. Trong giấy ủy quyền ghi rõ các thông tin: thông tin về người ủy quyền và người được ủy quyền; căn cứ ủy quyền (là thông tin về việc thừa kế, về tài sản được thừa kế…).

Đồng thời ghi rõ nội dung ủy quyền như: “Người được ủy quyền được thay mặt và nhân danh tôi tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật”. Sau khi có giấy ủy quyền của người đang ở nước ngoài gửi về thì người được ủy quyền có thể cùng với những đồng thừa kế khác của người để lại di sản đến tổ chức công chứng để yêu cầu tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật. Người được ủy quyền chỉ thực hiện các công việc trong phạm vi được ủy quyền.

Tham khảo thêm >> Tư vấn về hôn nhân gia đình

5/5 (1 Review)

Bài viết liên quan