Tư vấn tranh chấp thừa kế của bố mẹ để lại đối với con nuôi

Nội dung bài viết

Câu hỏi:

Tôi tên là Hà.

Tôi là con nuôi của bố mẹ tôi, được nhận nuôi từ năm 1 tuổi có giấy tờ và thủ tục đàng hoàng. Trước tôi bố mẹ có với nhau một người con trai. Năm 2020, bố tôi mắc bệnh không may qua đời. Tới tháng 10 năm ngoái mẹ tôi sức khỏe suy yếu cũng đi theo ông. Sau khi bố mẹ mất, tôi có bảo anh trai kê khai tài sản để chia thừa kế. Từ trước đến nay tôi sống với bố mẹ và có mở quầy hàng nhỏ ở tầng một nhà mình. Nhưng anh tôi lại không đồng ý và lấy lý do tôi là con nuôi nên toàn bộ tài sản đó sẽ thuộc về anh còn tôi không có quyền. Bố mẹ tôi thì cũng không có tài sản gì ngoài ngôi nhà đó, khi còn sống cũng chỉ nói miệng là nhà này của 2 anh em chứ cũng không để lại di chúc. Tôi trước giờ sống cùng bố mẹ, chỉ có mỗi cửa hàng để kiếm sống, bây giờ mà không được nhận một phần tài sản của bố mẹ thì tôi không biết sống như thế nào.

Xin chuyên gia cho tôi hỏi anh tôi nói vậy có đúng không, và cho tôi xin lời khuyên để nhận được một phần tài sản để lại của bố mẹ?

Trả lời:

Dựa vào thông tin bạn cung cấp, chúng tôi tưu vấn sơ bộ như sau:

Theo quy định tại Điều 24 Luật nuôi con nuôi 2010, nếu cha mẹ đã đăng ký con nuôi hợp pháp, gia đình và người con nuôi này phát sinh đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con thì trường hợp cha mẹ qua đời không lập di chúc, di sản sẽ được chia theo pháp luật. (Điều 650 Bộ luật dân sự 2015).

Cụ thể, về hưởng di sản thừa kế của con nuôi, theo Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 khi di sản được chia, những người thừa kế theo pháp luật được quy định thứ tự sau: “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.”

Bên cạnh đó, Điều 653 Bộ luật dân sự 2015 quy định con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này. 

 Với quy định trên, bạn là con nuôi hợp pháp nên bạn hoàn toàn có quyền hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật. Đồng thời, do bố mẹ bạn không lập di chúc nên trong trường hợp này việc thừa kế sẽ được chia theo pháp luật, bạn là hàng thừa kế thứ nhất nên sẽ được thừa kế như nhau với những người cùng hàng thừa kế với mình cụ thể ở đây là người anh trai. Từ những phân tích trên, bạn có thể thỏa thuận lại với anh trai mình và giải thích cho anh bạn hiểu những quy định của pháp luật về vấn đề này. Còn nếu bạn không thể thỏa thuận chia thừa kế với anh bạn, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu Toà án chia thừa kế theo pháp luật.

0/5 (0 Reviews)
Công ty luật SBLAW

Công ty luật SBLAW

Công ty luật SBLAW là 1 trong những hãng luật uy tín hàng đầu Việt Nam hiện nay. Chúng tôi có trên 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực luật sư và tư vấn pháp luật. SBLAW tự hào có một đội ngũ Luật sư giỏi, có trình độ chuyên môn cao, uy tín, chuyên nghiệp và có nhiều kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực luật sư và tư vấn pháp luật.

Hồ sơ năng lực

Bài viết liên quan