Thừa kế tài sản là bất động sản của người nước ngoài tại Việt Nam

Nội dung bài viết

Câu hỏi:

Tôi và chồng tôi đều là người Đài Loan. Trong thời kỳ hôn nhân, chồng tôi có sở hữu Căn hộ chung cư tại tỉnh Bình Dương được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Ngày 04/09/2022, chồng tôi mất không để lại Di chúc. Gia đình thống nhất giao tài sản này cho tôi quản lý và định đoạt. Xin hỏi tôi phải làm những thủ tục gì để nhận di sản này tại Việt Nam?

Trả lời:

Vấn đề áp dụng luật đối với di sản là bất động sản thuộc sở hữu của người nước ngoài tại Việt Nam:

Điều 680 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

“1. Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết.

2. Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó”.

Bộ luật dân sự không có quy định cụ thể về vấn đề nêu trên, tuy nhiên tại Công văn số 6477/BTP-PLQT ngày 13/12/2017 của Bộ tư pháp gửi Sở tư pháp tỉnh Bình Dương có hướng dẫn như sau:

“- Thứ nhất, theo quy định tại Khoản 1 Điều 680 Bộ luật dân sự 2015 thì “Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết”. Điều này có nghĩa là toàn bộ quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài (xác định di sản thừa kế, người thừa kế, hàng thừa kế, quản lý và phân chia di sản thừa kế …) và thẩm quyền giải quyết tuân theo pháp luật của nước mà người để lại di sản có quốc tịch ngay trước khi chết, không phân biệt di sản là động sản hay bất động sản. Do đó, Bộ tư pháp đề nghị Quý sở cân nhắc hướng dẫn đương sự liên hệ cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người để lại di sản có quốc tịch trước khi chết để thực hiện.

-Thứ hai, sau khi quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài (xác định di sản thừa kế, người thừa kế, hàng thừa kế, quản lý và phân chia di sản thừa kế …) được giải quyết theo quy định của pháp luật nước ngoài, việc thực hiện quyền của người thừa kế dối với tài sản là bất động sản (như việc người thừa kế có được hưởng quyền sở hữu tài sản hay chỉ được nhận giá trị tương ứng của tài sản thừa kế) phải tuân theo pháp luật Việt Nam theo quy định tại Khoản 2, Điều 680.

- Thứ ba, trường hợp pháp luật nước ngoài dẫn chiếu ngược lại thẩm quyền giải quyết thừa kế thuộc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì các giấy tờ chứng minh việc xác định quan hệ thừa kế do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp cần phải hợp pháp hóa lãnh sự”.

Như vậy, việc xác định toàn bộ quan hệ thừa kế bao gồm xác định di sản thừa kế, người thừa kế, hàng thừa kế, quản lý và phân chia di sản, … sẽ phải tuân thủ theo quy định của pháp luật Đài Loan, còn việc khai nhận di sản đối với tài sản là Bất động sản ở Việt Nam phải được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Từ những phân tích trên, có 02 vấn đề chị cần phải thực hiện:

1. Xác định những người thừa kế theo pháp luật của chồng chị theo quy định của pháp luật Đài Loan và ký Văn bản thỏa thuận phân chia di sản tại Đài Loan trong đó nêu rõ việc chị được những người thừa kế khác giao quyền quản lý và định đoạt đối với bất động sản của chồng tại Việt Nam;

2. Thực hiện thủ tục để nhận thừa kế ở Việt Nam:

Thứ nhất, để được hưởng di sản thừa kế là Bất động sản, cụ thể trong trường hợp này là căn hộ chung cư tại Việt Nam, chị  phải đáp ứng các điều kiện theo điểm c, Khoản 1, Điều 159; điểm b, Khoản 2, Điều 159; Khoản 3, Điều 160 và điểm a, Khoản 2, Điều 161 của Luật nhà ở 2014 như sau:

- Được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự;

- Sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư.

Thứ hai, chị phải thực hiện thủ tục phân chia di sản tại Văn phòng công chứng ở Bình Dương.

Thứ ba, chị phải nộp hồ sơ đăng ký biến động đất và tài sản gắn liền với đất tại Sở tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương.

Tham khảo thêm >> Tư vấn về hôn nhân gia đình

5/5 (1 Review)

Bài viết liên quan