Thủ tục thành lập Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp/ đơn vị sử dụng lao động

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Thưa Luật sư, hiện tại Công ty chúng tôi đang có kế hoạch thành lập Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, vì vậy tôi muốn nhờ luật sư tư vấn về các quy định pháp luật liên quan đến thủ tục thành lập Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp. Việc thành lập Công đoàn cơ sở có bắt buộc không? Thành lập Công đoàn có tác dụng gì cho Công ty chúng tôi?

Xin cảm ơn Luật sư. Rất mong sớm nhận được phản hồi từ Luật sư.

Luật sư trả lời:

Công ty Luật TNHH SBLaw cảm ơn Khách hàng đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của Khách hàng, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật lao động 2019 ban hành ngày 20/11/2019
  • Nghị định số 98/2014/NĐ-CP quy định điều kiện thành lập và hình thức tổ chức của Công đoàn cơ sở
  • Điều lệ Công đoàn Việt Nam (khóa XII)
  • Hướng dẫn 03/HD-TLĐ năm 2020 Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam

Thứ nhất, về việc Có bắt buộc phải thành lập Công đoàn cơ sở hay không?

Tại Khoản 3 Điều 3 Bộ luật lao động 2019 có quy định sau:

“3. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.”

Như vậy, với quy định vừa nêu ở trên thì việc thành lập Công đoàn cơ sở hoàn toàn tự nguyện không phải là sự bắt buộc về mặt pháp lý đối với doanh nghiệp. Đó là quyền của người lao động. Tuy nhiên, pháp luật vẫn luôn khuyến khích các Doanh nghiệp chủ động vận động, hỗ trợ người lao động tìm hiểu và thành lập Công đoàn cơ sở nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động. Chính vì vậy, trường hợp Quý Khách hàng là doanh nghiệp có nhu cầu và muốn hỗ trợ cho người lao động tại doanh nghiệp có thể thành lập Công đoàn, thì hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

Thứ hai, tác dụng việc thành lập Công đoàn đối với doanh nghiệp:

Dựa vào quyền và trách nhiệm của Công đoàn được quy định ở Luật Công đoàn 2012 nhất là tại Điều 10, quy định về quyền và trách nhiệm của Công đoàn trong việc Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động thì có thể rút ra một số tác dụng của việc thành lập Công đoàn đối với Doanh nghiệp như sau:

  • Thứ nhất, công đoàn cơ sở tham gia hỗ trợ người sử dụng lao động xây dựng nội quy lao động, bảng lương, thỏa ước lao động tập thể. Doanh nghiệp cũng cần phối hợp chặt chẽ với người lao động để công đoàn thực sự là cầu nối truyền đạt nguyện vọng của người lao động đến chủ doanh nghiệp.
  • Thứ hai, khi doanh nghiệp phải thay đổi cơ cấu hoặc cải tiến công nghệ, công đoàn có thể giúp chủ doanh nghiệp sắp xếp lao động, cũng như chấm dứt hợp đồng lao động.
  • Thứ ba, khi có tranh chấp xảy ra như đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, đình công, công đoàn cơ sở sẽ tổ chức đối thoại nhằm dung hòa lợi ích của người lao động với người sử dụng lao động trên tư cách là một chủ thể độc lập, trung gian giải quyết tranh chấp lao động.

Mặt khác, một trong những nhiệm vụ của công đoàn là chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Điều này đồng nghĩa công đoàn cơ sở làm thay hay hỗ trợ chủ doanh nghiệp trong việc thực hiện các chế độ, chính sách dành cho người lao động.

Một khi đời sống người lao động được chăm lo đúng mực, quyền và lợi ích chính đáng được bảo đảm, họ sẽ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, năng suất, hiệu quả lao động qua đó được nâng cao. Và người hưởng lợi nhiều nhất không ai khác ngoài doanh nghiệp.

Thứ ba, khi nào nên thành lập Công đoàn?

Mặc dù, thành lập Công đoàn là điều không bắt buộc đối với Doanh nghiệp, tuy nhiên theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 98/2014/NĐ-CP quy định về việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị- xã hội, quy định về thành lập các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp trong đó có tổ chức công đoàn như sau:

Điều 5. Quy định thành lập các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp

  1. Tổ chức Công đoàn
  2. a) Doanh nghiệp có từ 5 đoàn viên công đoàn, hoặc người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam, đủ điều kiện thành lập tổ chức Công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
  3. b) Chậm nhất sau sáu tháng kể từ ngày doanh nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động, công đoàn địa phương, công đoàn ngành, công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất phối hợp cùng doanh nghiệp thành lập tổ chức Công đoàn theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tập thể lao động.
  4. c) Sau thời gian quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này, nếu doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn, công đoàn cấp trên có quyền chỉ định Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời của doanh nghiệp để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tập thể lao động.

Như vây, theo quy định trên thì nếu Doanh nghiệp có từ 5 đoàn viên công đoàn, hoặc người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam thì đủ điều kiện thành lập tổ chức Công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày thành lập, doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức công đoàn tại địa phương, khu vực hoặc lĩnh vực để vận động Người lao động tham gia thành lập công đoàn. Nếu như quá thời hạn trên mà doanh nghiệp chưa thành lập được tổ chức công đoàn thì công đoàn cấp trên sẽ có quyền chỉ định Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời của doanh nghiệp trong trường hợp cần thiết.

Thứ tư, điều kiện, thủ tục thành lập Công đoàncơ sở

Về điều kiện thành lập Công đoàn cơ sở: khoản 1 Điều 13 Điều lệ công đoàn khóa XII quy định như sau: “Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam, được thành lập ở một hoặc một số đơn vị sử dụng lao động hoạt động hợp pháp, khi có từ 05 đoàn viên hoặc 05 người lao động trở lên, có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.”

Như vậy, Khách hàng muốn thành lập Công đoàn cơ sở thì phải đảm bảo gồm 2 điều kiện sau:

  • Công ty có từ 05 đoàn viên hoặc 05 người lao động trở lên.
  • Người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn.

Về thủ tục thành lập Công đoàn: gồm các bước quy định tại Điều 14 Điều lệ Công đoàn khóa XII, Điều 12 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ năm 2020 thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam như sau:

Bước 1: Thành lập Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở (gọi tắt là Ban vận động):

  • Chủ thể thực hiện:Người lao động.
  • Ban vận động thực hiện tuyên truyền, vận động, tiếp nhận đơn xin gia nhập Công đoàn của người lao động.

Bước 2: Tổ chức Đại hội thành lập Công đoàn cơ sở:

  • Chủ thể tổ chức: Ban vận động.
  • Thành phần tham dự Đại hội:
  • Ban vận động thành lập công đoàn cơ sở.
  • Người lao động đang làm việc tại đơn vị sử dụng lao động đã là đoàn viên hoặc chưa là đoàn viên có đơn xin gia nhập Công đoàn Việt Nam.
  • Đại diện công đoàn cấp trên, người sử dụng lao động và các thành phần khác (nếu có) cùng dự, chứng kiến đại hội thành lập công đoàn cơ sở.
  • Nội dung Đại hội thành lập Công đoàn cơ sở gồm:
  • Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.
  • Báo cáo quá trình vận động người lao động gia nhập công đoàn và công tác chuẩn bị tổ chức thành lập công đoàn cơ sở.
  • Công bố danh sách người lao động có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn.
  • Tuyên bố thành lập công đoàn cơ sở.
  • Đại diện công đoàn cấp trên phát biểu (nếu có).
  • Người sử dụng lao động phát biểu (nếu có).
  • Bầu cử ban chấp hành công đoàn cơ sở.
  • Bầu cử chủ tịch công đoàn cơ sở.
  • Thông qua kế hoạch hoạt động của công đoàn cơ sở.
  • Kết thúc Đại hội thành lập Công đoàn cơ sở:Ban vận động bàn giao toàn bộ hồ sơ Đại hội cho Ban chấp hành hoặc đồng chí Chủ tịch mới được bầu, gồm cả danh sách Ban vận động để lưu hồ sơ, tài liệu thành lập Công đoàn cơ sở.

Bước 3: Ra quyết định công nhận Công đoàn cơ sở:

Bước 3.1: Lập hồ sơ đề nghị Công đoàn cấp trên xem xét, công nhận:

  • Chủ thể thực hiện: Ban chấp hành Công đoàn cơ sở.
  • Thời gian:Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi kết thúc Đại hội.
  • Nội dung hồ sơ:
  • Văn bản đề nghị công nhận đoàn viên, công đoàn cơ sở và kết quả bầu cử ban chấp hành, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra và các chức danh của ban chấp hành, ủy ban kiểm tra công đoàn.
  • Danh sách đoàn viên và đơn xin gia nhập Công đoàn Việt Nam của người lao động.
  • Danh sách trích ngang lý lịch ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ, ủy viên ủy ban kiểm tra công đoàn cơ sở.
  • Biên bản Đại hội thành lập công đoàn cơ sở.
  • Biên bản kiểm phiếu bầu cử tại đại hội thành lập công đoàn cơ sở và biên bản bầu cử tại hội nghị ban chấp hành (nếu có).

Bước 3.2: Công đoàn cấp trên xem xét và ra quyết định:

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ thành lập Công đoàn cơ sở, Công đoàn cấp trên có trách nhiệm ra quyết định như sau:

  • TH1: Công đoàn cơ sở thành lập đúng quy định: Công đoàn cấp trên ban hành quyết định công nhận đoàn viên, công đoàn cơ sở, Ban chấp hành và các chức danh của Ban chấp hành theo quy định.
  • TH2: Công đoàn cơ sở không đủ điều kiện để được công nhận đoàn viên hoặc Công đoàn cơ sở hoặc các chức danh được bầu: Công đoàn cấp trên thông báo bằng văn bản để tập thể người lao động được biết; đồng thời hướng dẫn thực hiện đúng quy trình, thủ tục để được công nhận, hoặc tiếp tục tuyên truyền, vận động người lao động tự nguyện liên kết thành lập Công đoàn cơ sở theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Thứ năm, thành phần, tổ chức và hoạt động của Công đoàn

Căn cứ theo khoản 3 Điều 13 Điều lệ công đoàn Việt Nam (khóa XII), tổ chức công đoàn cơ sở được tổ chức dưới hình thức:

“a. Công đoàn cơ sở không có tổ công đoàn, công đoàn bộ phận, công đoàn cơ sở thành viên.

  1. Công đoàn cơ sở có tổ công đoàn.
  2. Công đoàn cơ sở có công đoàn bộ phận.
  3. Công đoàn cơ sở có công đoàn cơ sở thành viên.”

Và tùy theo hình thức tổ chức công đoàn mà mỗi công đoàn cơ sở sẽ có cơ cấu tổ chức khác nhau.

Căn cứ theo Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ Hướng dẫn thi hành Điều lệ công đoàn Việt Nam, cơ cấu tổ chức của một công đoàn cơ sở:

  • Ban chấp hành công đoàn cơ sở, bao gồm:
  • Chủ tịch: Nơi có dưới 10 đoàn viên bầu chức danh chủ tịch (không bầu ban chấp hành).
  • Phó chủ tịch.
  • Ủy viên ban chấp hành công đoàn cơ sở: Số lượng ủy viên là từ 03 đến 15 ủy viên. Nơi có từ 3.000 đoàn viên trở lên có thể tăng thêm nhưng không quá 19 ủy viên.
  • Ủy ban kiểm tra công đoàn: Công đoàn cơ sở có từ 30 đoàn viên trở lên được bầu ủy ban kiểm tra để giúp việc cho ban chấp hành về công tác kiểm tra, giám sát. Ủy ban kiểm tra công đoàn gồm:
  • Chủ nhiệm và phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra.
  • Ủy viên ủy ban kiểm tra: Số lượng ủy viên ủy ban kiểm tra do Ban chấp hành công đoàn cùng cấp quyết định, nhưng không quá 07 ủy viên.
  • Tùy theo số lượng đoàn viên và tính chất, địa bàn hoạt động của doanh nghiệp, đơn vị lao động; số lượng đoàn viên của công đoàn cơ sở có thể tổ chức các công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận, tổ công đoàn.
  • Việc thành lập công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận do ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định; đồng thời phân cấp một số nhiệm vụ, quyền hạn và hướng dẫn nội dung cụ thể để công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận, tổ công đoàn tổ chức các hoạt động.
  • Ban nữ công: Công đoàn cơ sở có từ 10 nữ đoàn viên trở lên được thành lập ban nữ công quần chúng để tham mưu, giúp việc về công tác nữ công theo nhiệm kỳ của ban chấp hành công đoàn cùng cấp.
  • Các đoàn viên.

*Tổ chức và hoạt động của công đoàn cơ sở:

Căn cứ theo Điều 6 Luật công đoàn 2012, nguyên tắc tổ chức và hoạt động công đoànlà:

“1. Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

  1. Công đoàn được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.”

Theo quy định tại Điều 15, Điều lệ Công đoàn thì Công đoàn cơ sở có quyền hạn và nghĩa vụ như sau:

  1. Tuyên truyền, vận động đoàn viên và người lao động thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghĩa vụ của công dân; các chủ trương, nghị quyết của Công đoàn.
  2. Đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động theo quy định của pháp luật Nhà nước.
  3. Giám sát hoặc tham gia giám sát thực hiện chính sách, pháp luật, nội quy, quy chế, thỏa ước lao động tập thể và các vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động theo quy định của pháp luật.
  4. Phối hợp với đơn vị sử dụng lao động xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc và chăm sóc sức khỏe cho người lao động; tổ chức phong trào thi đua, hoạt động văn hóa, xã hội.
  5. Tổ chức thực hiện nghị quyết của công đoàn các cấp, chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đoàn viên và cán bộ công đoàn; quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của công đoàn theo đúng quy định; thực hiện công tác phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh; tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại nơi làm việc; xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phát triển bền vững; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền nhân dân trong sạch, vững mạnh.

Trong quan hệ lao động nói riêng, căn cứ theo Điều 178 Bộ luật lao động 2019, Công đoàn cơ sở có các quyền và nghĩa vụ sau:

“1. Thương lượng tập thể với người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật này.

  1. Đối thoại tại nơi làm việc theo quy định của Bộ luật này.
  2. Được tham khảo ý kiến xây dựng và giám sát việc thực hiện thang lương, bảng lương, mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động và những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động là thành viên của mình.
  3. Đại diện cho người lao động trong quá trình giải quyết khiếu nại, tranh chấp lao động cá nhân khi được người lao động ủy quyền.
  4. Tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của Bộ luật này.
  5. Tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật của cơ quan, tổ chức đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam nhằm tìm hiểu pháp luật về lao động; về trình tự, thủ tục thành lập tổ chức đại diện người lao động và việc tiến hành các hoạt động đại diện trong quan hệ lao động sau khi được cấp đăng ký.
  6. Được người sử dụng lao động bố trí nơi làm việc và được cung cấp thông tin, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
  7. Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.”
0/5 (0 Reviews)
Công ty luật SBLAW

Công ty luật SBLAW

Công ty luật SBLAW là 1 trong những hãng luật uy tín hàng đầu Việt Nam hiện nay. Chúng tôi có trên 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực luật sư và tư vấn pháp luật. SBLAW tự hào có một đội ngũ Luật sư giỏi, có trình độ chuyên môn cao, uy tín, chuyên nghiệp và có nhiều kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực luật sư và tư vấn pháp luật.

Hồ sơ năng lực

Bài viết liên quan