Pháp luật Việt Nam hiện hành cho phép việc nhập khẩu song song các hàng hóa, sản phẩm mang đối tượng sở hữu trí tuệ (SHTT) miễn sao sản phẩm đó là sản phẩm do chính chủ sở hữu của đối tượng sở hữu trí tuệ đó hoặc cá nhân, tổ chức được chủ sở hữu đó cho phép đưa ra thị trường.
Theo đó, hành vi nhập khẩu song song không bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Điều này đã được Luật SHTT 2005 quy định tại các Điều 20 và Điều 125, và được cụ thể hóa tại Nghị định 97/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 37/2011/TT-BKHCN của Bộ khoa học và công nghệ.
Tại Điều 10 Thông tư 37/2011 định nghĩa: Nhập khẩu song song là việc tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm do chính chủ sở hữu hoặc tổ chức, cá nhân được chuyển giao quyền sử dụng, kể cả chuyển giao quyền sử dụng theo quyết định bắt buộc, người có quyền sử dụng trước đối tượng sở hữu công nghiệp đã đưa ra thị trường nước ngoài, mặc dù không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp.
Cũng theo Thông tư trên, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi nhập khẩu song song không bị xử phạt vi phạm hành chính. Một số ví dụ về hành vi nhập khẩu song song như sau:
Ví dụ 1: Công ty A là chủ Bằng độc quyền sáng chế cho sản phẩm X đang được bảo hộ tại Việt Nam. Công ty A ủy quyền cho đại lý của mình là Công ty B tại Việt Nam được phép nhập khẩu và phân phối độc quyền sản phẩm X tại Việt Nam. Công ty C mua và nhập khẩu vào Việt Nam sản phẩm X do Công ty A sản xuất và bán ở thị trường nước ngoài. Mặc dù không được sự đồng ý của Công ty A và Công ty B thì hành vi của Công ty C được coi là hành vi nhập khẩu song song và không bị coi là hành vi xâm phạm quyền SHTT.
Ví dụ 2: Công ty A là chủ Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp Y đang được bảo hộ cho kiểu dáng sản phẩm G tại Việt Nam. Công ty A cấp Li-xăng cho Công ty B để sản xuất sản phẩm G mang kiểu dáng công nghiệp Y tại Việt Nam, đồng thời cấp li-xăng cho Công ty C để sản xuất sản phẩm G mang kiểu dáng công nghiệp Y tại nước khác. Công ty D mua và nhập khẩu sản phẩm G mang kiểu dáng công nghiệp Y do Công ty C sản xuất và bán ở thị trường nước ngoài. Mặc dù việc mua và nhập khẩu này không được sự đồng ý của Công ty A, Công ty B và Công ty C, thì hành vi của Công ty D cũng không bị coi là hành vi xâm phạm quyền SHTT.
Ví dụ 3: Công ty A là chủ nhãn hiệu Z được bảo hộ cho sản phẩm T tại nước ngoài. Công ty A thành lập chi nhánh là Công ty B tại Việt Nam và đồng ý cho Công ty B nộp đơn đăng ký và đứng tên chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Z cho sản phẩm T tại Việt Nam. Công ty C mua và nhập khẩu vào Việt Nam sản phẩm T mang nhãn hiệu Z do Công ty A sản xuất và bán ở thị trường nước ngoài. Mặc dù hành vi mua và nhập khẩu này không được sự đồng ý của Công ty A và B thì hành vi của Công ty C không bị coi là hành vi xâm phạm quyền SHTT.
Như vậy, trong trường hợp cá nhân tổ chức nhập khẩu hàng hóa mang đối tượng SHTT từ nước ngoài vào Việt Nam chỉ cần chứng minh về nguồn gốc của hàng hóa nhập khẩu là chính hãng được đưa ra thị trường bởi chủ sở hữu hợp pháp các đối tượng SHTT hoặc được bởi người được chủ sở hữu cho phép thì sẽ không bị coi là hành vi xâm phạm quyền SHTT và không bị xử phạt hành chính./.