Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, những mối quan hệ có yếu tố nước ngoài cũng càng đa dạng; yêu cầu và phát sinh mới liên quan đến pháp lý cũng càng lớn. Do đó, hoạt động tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý khác của luật sư là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, lành mạnh theo đúng pháp luật, đồng thời hỗ trợ tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế thị trường. Đồng thời, sự tham gia tích cực của các luật sư trong các dự án đầu tư, các giao dịch kinh doanh, thương mại không chỉ góp phần huy động nội lực mà còn thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã thể hiện mối quan tâm đặc biệt giành cho nghề luật sư, Nghị quyết 49-NQ/TW (2005) của Bộ Chính trị đã chỉ rõ vai trò của luật sư trong nền tư pháp nước nhà. Luật luật sư 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012) thay thế Pháp lệnh luật sư năm 2001 (trước đó nữa là Pháp lệnh tổ chức luật sư năm 1987) đã thể hiện thành tựu tích cực của hoạt động lập pháp đối với nghề luật sư. Đặc biệt, khi mà nhu cầu của xã hội, của nhà nước đối với nghề luật sư ở nước ta được thể hiện ngày một bức thiết, thì những vị lãnh đạo Nhà nước đã có những sự quan tâm lớn, thể hiện cách nhìn nhận mới cũng như cách thức sự cụ thể hóa đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đối với nghề luật sư.
Để góp phần nâng cao khả năng của đội ngũ Luật sư Việt Nam trong việc tham gia giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, tư vấn các vụ việc có yếu tố nước ngoài, ngày 18/01/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 123/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ Luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020”. Đề án đã đề ra nhiều mục tiêu, giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ Luật sư Việt Nam phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Ngày 12/11/2021, Bộ Tư pháp đã ra Quyết định 1711/QĐ-BTP về việc ban hành Chương trình khung đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế. Cụ thể, Chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế kéo dài 12 tháng với 37 tín chỉ. Khi tốt nghiệp, học viên sẽ nhận được Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư. Trường hợp học viên chỉ tham gia một số học phần trong Chương trình đào tạo (không tham gia toàn bộ Chương trình đào tạo) thì được cấp Chứng nhận hoàn thành học phần đã tham gia.
Bên cạnh đó, Bộ yêu cầu người dự tuyển Chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế phải có trình độ cử nhân luật trở lên. Đối với những người chưa có bằng cử nhân luật nhưng đã có bằng cử nhân ngành khác và có nhu cầu tham gia một phần hoặc toàn bộ khóa đào tạo để nâng cao kiến thức, trình độ thì có thể đăng ký học dự thính. Ngoài ra, người dự tuyển phải có trình độ tiếng Anh tương đương IELTS 5.0 trở lên.
Như vậy, có thể nói, Việt Nam ngày càng chú trọng đến việc phát triển đội ngũ luật sư hội nhập quốc tế và tạo điều kiện nhiều hơn để luật sư thể hiện tầm quan trọng của mình.
Hiện nay, phần lớn các luật sư tại Việt Nam đều có chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn, có ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật. Hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư cho tổ chức, cá nhân đã tăng đáng kể về số lượng và nâng cao về chất lượng không chỉ ở phạm vi trong nước mà còn cả quốc tế. Tuy nhiên, việc phát triển đội ngũ luật sư hội nhập quốc tế tại Việt Nam vẫn gặp phải những vướng mắc sau:
Thứ nhất, đa số luật sư ở nước ta hành nghề trong tất cả các lĩnh vực tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và các dịch vụ pháp lý khác. Tuy số lượng luật sư ở nước ta trong những năm gần đây tăng lên đáng kể, song vẫn chưa hình thành được đội ngũ các luật sư chuyên sâu về những lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế.
Thứ hai, đội ngũ luật sư còn có những hạn chế về chuyên môn, kỹ năng, giao tiếp… đặc biệt là tình trạng yếu về trình độ Anh ngữ, thiếu kiến thức về pháp luật quốc tế. Không thể sử dụng tiếng Anh, như một ngôn ngữ chính trong công việc, là hiện tượng khá phổ biến đối với luật sư Việt Nam. Điều này dẫn đến nguy cơ chúng ta thua ngay trên “sân nhà” trong các vụ tranh chấp giữa quyền lợi của Nhà nước Việt Nam, các doanh nghiệp, công dân Việt Nam với nước ngoài.
Ngoài ra, thị trường dịch vụ pháp lý ở Việt Nam đến nay cơ bản vẫn còn hạn hẹp, niềm tin của các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn quen sử dung dịch vụ pháp lý của các tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài hoặc tổ chức hành nghề Luật sư của nước ngoài tại Việt Nam. Các tổ chức hành nghề Luật sư Việt Nam có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh với các tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài tại Việt Nam còn khá ít. Đối với các tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài, cùng với quy mô, tính chất làm việc chuyên sâu, họ còn có kinh nghiệm, lợi thế về điều kiện làm việc và tạo lập được thương hiệu từ trước nên dễ nhận được sự tin cậy của khách hàng là các doanh nghiệp, cho dù phải chi phí cao hơn. Đây là những vấn đề cần tiếp tục được quan tâm, nghiên cứu, đầu tư để xây dựng, phát triển đội ngũ Luật sư trong lĩnh vực này những năm sắp tới.
Do đó, để phát triển đội ngũ luật sư hội nhập quốc tế, trước tiên, cần nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật nhằm tạo nguồn chuẩn đầu vào cho đào tạo luật sư; phát triển, thành lập một số trường đào tạo luật sư, từ đó tạo ra sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng đào tạo luật sư; mở rộng việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hội nhập, kỹ năng nghề, Anh ngữ, pháp luật quốc tế… cho đội ngũ luật sư.
Thứ hai, đẩy mạnh việc lựa chọn, gửi luật sư đi đào tạo ở nước ngoài, khuyến khích việc luật sư tự đào tạo để đáp ứng yêu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là giải pháp được nhiều nước lựa chọn, song kinh phí đào tạo luật sư ở các cơ sở nước ngoài rất cao, chính vì vậy, giải pháp này được xác định là giải pháp có tính chất “mũi nhọn”, lựa chọn những người thật sự có năng lực, triển vọng để gửi đi đào tạo ở nước ngoài, còn việc phát huy nội lực của năng lực đào tạo trong nước vẫn được xác định là giải pháp có tính bền vững và trọng tâm.
Thứ ba, cần tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa Liên đoàn luật sư Việt Nam với những liên đoàn luật sư quốc tế nhằm tạo cơ hội học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ luật sư. Đặc biệt, cần đẩy mạnh sự hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng về thương mại quốc tế.
Ngoài ra, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xây dựng cơ chế pháp lý cho việc tham gia ngày càng nhiều hơn của luật sư trong đàm phán thương mại quốc tế, giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài, tạo môi trường cạnh tranh dịch vụ pháp lý lành mạnh trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc bình đẳng và chủ quyền.