Để quản lý và vận hành được một trong nhiều hãng luật có uy tín tại Việt Nam, với bề dày kinh nghiệm tư vấn trải dài trên nhiều lĩnh vực đầu tư dự án (năng lượng, viễn thông, bất động sản, xây dựng), mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, chuyển nhượng dự án, quản trị doanh nghiệp, tài chính ngân hàng, thuế, sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ,… với góc nhìn của Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, giỏi luật là chưa đủ, mà cần hơn cả là phải có được yếu tố “thủ lĩnh” của một doanh nhân thương trường.
Thành lập công ty luật SBLAW
Là một trong những hãng luật uy tín tại Việt Nam, liên tục nhận được nhiều giải thưởng từ tổ chức quốc tế vinh danh như ASIALAW, LEGAL 500, IFRL1000,…, với gần 40 luật sư và chuyên gia pháp lý có kinh nghiệm, nhưng để xây dựng lên được một thương hiệu luật như bây giờ, chặng đường khởi nghiệp của ông Nguyễn Thanh Hà cũng nhiều gian nan và trắc trở.
Dù là một thị trường được coi là tiềm năng, với nhu cầu đang ngày càng mở rộng, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập, trước sự đa dạng của các kiến thức pháp luật trong và ngoài nước, doanh nghiệp và các nhà đầu tư sẽ không khỏi lúng túng khi va chạm với hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, để nhận được sự tin tưởng và lựa chọn là đơn vị tư vấn pháp luật độc lập, thì không hề đơn giản.
Con số ước tính mà nhiều cơ quan quản lý đưa ra khi chỉ có khoảng 20% số doanh nghiệp hiện tại đăng ký hợp đồng thuê dịch vụ pháp lý thường xuyên là minh chứng cho thấy đây là một thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng không hề dễ dàng như tưởng tượng.
Trao đổi giữa luật sư Hà và phóng viên báo Đầu tư
Ông nghĩ tới việc khởi nghiệp với lĩnh vực tư vấn pháp lý từ khi nào?
Tôi bắt đầu nghĩ tới việc thành lập một công ty về tư vấn luật bắt đầu từ cách đây hơn chục năm, sau khi ra trường một vài năm, và làm tại một số công ty về luật của nước ngoài. Vào thời điểm đó, tư vấn pháp lý vẫn là một cái gì đó khá mơ hồ, và gần như chưa thể được định hình là một nghề nghiệp cụ thể. Ngay kể cả trong các quy định pháp lý cũng không hề rõ ràng.
Trong khi đó, nhu cầu về pháp lý lại rất lớn, đặc biệt là khi Việt Nam bắt đầu gia nhập WTO, nhiều doanh nghiệp dù rất muốn tận dụng cơ hội từ hội nhập, nhưng lại rất lúng túng vì không hiểu rõ về các quy định pháp lý, cũng như sự khác biệt về tư duy làm việc giữa các đối tác nước ngoài và doanh nghiệp Việt. Thời điểm đó, chỉ có rất ít các hãng luật, và chủ yếu là các hãng luật đến từ nước ngoài hoặc các tổ chức không chuyên thực hiện. Vì thế, chi phí thuê tư vấn pháp lý rất đắt đỏ mà hiệu quả mang lại không nhiều.
Vì thế, tôi cùng vài người bạn đã suy nghĩ và đứng ra thành lập lên SBLaw với mong muốn xây dựng một tổ chức tư vấn pháp lý chuyên sâu dành cho các doanh nghiệp nội. Đây là xuất phát điểm ban đầu của SBLaw.
Người ta thường nói khởi nghiệp đã khó, khởi nghiệp với lĩnh vực tư vấn pháp lý dường như còn khó khăn hơn gấp bội, vì phải rất am tường hàng trăm quy định, thông suốt hàng trăm vấn đề mới có thể kiếm được ra tiền. Ông nhìn nhận như thế nào về điều này?
Thực tế thì đúng như vậy, nên hầu như các Luật sư đứng ra mở hãng luật riêng thường phải có thời gian tích lũy kinh nghiệm và có sự trải nghiệm rất lớn, mới có thể xây dựng được hãng luật vững mạnh, có doanh thu và sống được với nghề.
Ngoài ra, để khởi nghiệp, phát triển và thành công được trên thị trường này, thì các Founders ngoài việc phải là một luật sư giỏi, am tường mọi ngõ ngách của quy định pháp luật, hơn cả cũng phải có được những tố chất không thể thiếu của một doanh nhân
Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này không thưa ông?
Ở đây có nghĩa rằng, khi đã quản lý một tổ chức thì điều cốt lõi bạn cũng phải nắm rõ về các phương thức quản trị một doanh nghiệp từ việc tạo dựng thương hiệu, phát triển khách hàng, nghiên cứu sản phẩm đến quản lý con người, xây dựng văn hóa hoạt động, đào tạo nghiệp vụ….
Điều này còn quan trọng hơn đối với một doanh nghiệp chuyên về dịch vụ tư vấn pháp lý, bởi lẽ, các nhân viên của bạn cũng đều là những người rất giỏi chuyên môn về luật, nên để họ nghe mình nói thì không thể trình bày rằng mình giỏi hơn họ về luật, mà phải cho họ định hướng về một con đường mà mình đã chọn cho họ, hay nói cách khác là doanh nghiệp của mình có đủ tiềm năng để khiến họ trở thành nhân viên của mình hay không. Đây chính là tầm nhìn của một doanh nhân, chứ không phải tầm nhìn của một luật sư.
Tôi nghe nói rằng, trên con đường xây dựng SBLaw của ông có bóng dáng một “người bạn” rất đặc biệt. Ông có thể chia sẻ gì về người bạn này?
Tôi chỉ nói được rằng đó là một Luật sư rất giỏi nghề, rất hiểu chuyện đời, và cũng rất hay thường xuyên giúp đỡ tôi về mặt tình cảm trong cuộc sống ( Cười)
Tuy nhiên, tôi cũng nói thêm rằng, tôi cũng có nhiều “người bạn” đặc biệt khác nữa. Họ chính là những cộng sự theo tôi từ giai đoạn đầu. Họ đều có cá tính rất mạnh, có quan điểm độc lập, đặc biệt là vững vàng về luật, và họ đã tạo nên những sắc màu riêng của SBLaw.
Phải nói rằng, để thuyết phục được họ theo mình quả thực là rất khó. Nhưng may mắn, họ đã tin tưởng tôi, cùng đóng góp và giúp SBLaw có một vị trí nhất định trên thị trường hiện nay.
Ông đánh giá như thế nào về câu chuyện khởi nghiệp với nghề tư vấn pháp lý?
Với một nền kinh tế đang phát triển và mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hiệu quả năm 2020, và tư vấn pháp lý là một thị trường giàu tiềm năng, và có thể trở thành một lĩnh vực khởi nghiệp khá thú vị và triển vọng cho những bạn trẻ đam mê ngành luật.
Tuy nhiên, quan điểm của tôi là đây là lĩnh vực khó, vì vậy, thông thường phải đã có thời gian tích luỹ kinh nghiệm, có sự trải nghiệm nhất định mới có thể xây dựng được một hãng luật vững mạnh, có doanh thu và sống được với nghề.
Đồng thời, nghề tư vấn pháp lý cũng đòi hỏi sự sáng tạo rất lớn, không chỉ giải quyết các tranh chấp, tư vấn pháp lý, mà còn phải biết không ngừng thay đổi bằng cách tận dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp các dịch vụ tới tận tay khách hàng.
Tất nhiên, cũng phải đặt vấn đề về tư cách đạo đức lên hàng đầu, vì pháp lý là những điều nhạy cảm. Nếu chỉ quan tâm đến dịch vụ và thu tiền của khách hàng sẽ không thể mang lại giá trị bền lâu trong dài hạn cho không chỉ khách hàng mà còn cả cộng đồng, xã hội.
Hoạt động tư vấn pháp luật dần trở nên quan trọng trong việc dẫn dắt doanh nghiệp hoạt động đúng hướng dựa trên nền tảng là các quy định pháp luật. Tuy vậy, ước tính chỉ có 20% doanh nghiệp đăng ký hợp đồng thuê dịch vụ pháp lý thường xuyên. Vì sao con số lại thấp đến như vậy, thưa ông?
Việc doanh nghiệp lựa chọn tìm đến các công ty tư vấn luật hiện nay là không nhiều. Ước tính ở mức 20% hiện nay mới chỉ là ước tính ban đầu, thực ra con số có lẽ sẽ thấp hơn. Trong đó, nguyên nhân được chỉ ra là do việc quy mô doanh nghiệp hiện nay là tương đối nhỏ, vì vậy, họ cho rằng việc phải thuê các đơn vị tư vấn độc lập sẽ rất tốn kém và không mang lại hiệu quả cao.
Đây là điều không thực sự là tốt vào bối cảnh hiện tại với việc các quy định pháp lý liên tục bổ sung và thay đổi. Bản thân kinh doanh cần hướng tới mục tiêu lợi nhuận, nhưng quan trọng hơn phải bảo đảm an toàn pháp lý. Vì nếu doanh nghiệp kinh doanh trái pháp luật thì lợi nhuận có được sẽ bị pháp luật tước bỏ.
Bên cạnh đó, cũng phải nhìn lại vấn đề thực tế rằng, chất lượng hoạt động tư vấn pháp lý hiện tại chưa thật sự tương xứng với tiềm năng và yêu cầu của thị trường dịch vụ pháp lý. Và một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay là do quy mô tổ chức hoạt động tư vấn pháp lý còn khiêm tốn, chủ yếu mang tính đơn lẻ, thiếu sự liên kết. Vì vậy, chất lượng tư vấn cho nhiều doanh nghiệp không thực sự cao, gây tốn chi phí, khiến các doanh nghiệp e ngại sử dụng dịch vụ của các đơn vị tư vấn pháp lý độc lập.
Câu hỏi cuối, nhiều người tò mò, ngoài việc phải thường xuyên cập nhật về các quy định pháp lý, ông có dành thời gian để đi học các chương trình quản lý, quản trị…?
Tôi thực sự chưa trải qua quá nhiều về các trường học về quản trị, nhưng tôi đọc nhiều sách, tiếp cận với nhiều người, cả những Luật sư có tên tuổi, cả những nhà báo kinh nghiệm rồi đến những doanh nhân từng trải trên thương trường. Mỗi người đều có một nét riêng, và nói chung cũng đều liên quan đến doanh nghiệp và pháp luật và nó sẽ là nguồn tài liệu và giáo trình quý giá để tôi chiêm nghiệm và suy nghĩ ra cách làm cho riêng mình.
Tất nhiên, để làm được điều đó, tôi nghĩ rằng mình cần có sự đam mê, nhu cầu sáng tạo mới có thể giúp tạo ra những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất phục vụ khách hàng.
Bài trả lời phỏng vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà trên báo đầu tư.