Luật sư Nguyễn Thanh Hà có bài trả lời độc giả báo điện tử chất lượng Việt Nam về việc bảo vệ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam, chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:
Câu hỏi của độc giả: “Xin cho biết Hành vi xâm phạm quyền đối với Chỉ dẫn địa lý”
Luật sư trả lời: Để trả lời câu hỏi của bạn, chúng tôi căn cứ vào các quy định cụ thể sau:
1. Căn cứ pháp lý để xác định hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý như sau.
Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, cụ thể là khoản 3, Điều 129 thì những hành vi sau được coi là hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý.
- a) Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm mặc dù có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý, nhưng sản phẩm đó không đáp ứng các tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;
- b) Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm tương tự với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nhằm mục đích lợi dụng danh tiếng, uy tín của chỉ dẫn địa lý;
- c) Sử dụng bất kỳ dấu hiệu nào trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó làm cho người tiêu dùng hiểu sai rằng sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực địa lý đó;
- d) Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đối với rượu vang, rượu mạnh cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó, kể cả trường hợp có nêu chỉ dẫn về nguồn gốc xuất xứ thật của hàng hoá hoặc chỉ dẫn địa lý được sử dụng dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm hoặc được sử dụng kèm theo các từ loại, kiểu, dạng, phỏng theo hoặc những từ tương tự như vậy.
Cũng theo quy định Điều 12, Nghị định 105/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ thì việc xác định yếu tốxâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý được quy định như sau:
- Yếu tố xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý được thể hiện dưới dạng dấu hiệu gắn trên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác, trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.
- Căn cứ để xem xét yếu tố xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý là phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý được xác định tại Quyết định đăng bạ chỉ dẫn địa lý.
- Để xác định một dấu hiệu bị nghi ngờ có phải là yếu tố xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ hay không, cần phải so sánh dấu hiệu đó với chỉ dẫn địa lý và so sánh sản phẩm mang dấu hiệu bị nghi ngờ với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ dựa trên các căn cứ sau đây:
- a) Dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với chỉ dẫn địa lý, trong đó một dấu hiệu bị coi là trùng với chỉ dẫn địa lý nếu giống với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ về cấu tạo từ ngữ, kể cả cách phát âm, phiên âm đối với chữ cái, ý nghĩa hoặc về hình ảnh, biểu tượng thuộc phạm vi bảo hộ của chỉ dẫn địa lý; một dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với chỉ dẫn địa lý nếu tương tự đến mức gây nhầm lẫn với chỉ dẫn địa lý đó về cấu tạo từ ngữ, kể cả cách phát âm, phiên âm đối với chữ cái, ý nghĩa hoặc về hình ảnh, biểu tượng thuộc phạm vi bảo hộ của chỉ dẫn địa lý;
- b) Sản phẩm mang dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, trong đó sản phẩm bị coi là trùng hoặc tương tự nếu giống nhau hoặc tương tự nhau về bản chất, chức năng, công dụng và kênh tiêu thụ;
- c) Đối với rượu vang, rượu mạnh, ngoài quy định tại điểm a, điểm b khoản này, dấu hiệu trùng với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, kể cả thể hiện dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm hoặc kèm theo các từ loại, kiểu, dạng, phỏng theo hoặc những từ tương tự như vậy được sử dụng cho sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cũng bị coi là yếu tố xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý.
- Trường hợp sản phẩm mang dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt về tổng thể cấu tạo và cách trình bày so với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm cùng loại thuộc phạm vi bảo hộ thì bị coi là hàng hoá giả mạo chỉ dẫn địa lý quy định tại Điều 213 của Luật Sở hữu trí tuệ.
2. Biện pháp bảo hộ quyền và xử lý xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý.
Chủ sở hữu Chỉ dẫn địa lý khi phát hiện chỉ dẫn địa lý bị vi phạm có thể tiến hành các biện pháp sau để bảo vệ quyền của mình.
Chủ sở hữu có thể áp dụng biện pháp tự bảo vệ như tiến hành gửi thư cảnh báo vi phạm, thương lượng để yêu cầu bên vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và bối thường thiệt hại.
Bên cạnh đó, chủ sở hữu cũng có thể yêu cầu cơ quan chức năng tiến hành áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính, hiện tại, cơ quan nhà nước áp dụng quy định tại Nghị định 99/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, mức phạt tối đa cho hành vi vi phạm áp dụng đối với tổ chức vi phạm là 500 triệu đồng và đối với cá nhân là 250 triệu đồng, áp dụng hình phạt bổ sung là tich thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạ và đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ 01 tháng đến 03 tháng.
Chủ sở hữu quyền còn có thể cân nhắc áp dụng biện pháp dân sự, khởi kiện ra toà án để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Mặt khác, cơ quan chức năng cũng có thể áp dụng chế tài hình sự theo quy định tại Điều 171 Bộ Luật hình sự khi hành vi vi phạm có quy mô thương mại, cụ thể như sau:
“Điều 171. Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
- Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ bốn trăm triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
- a) Có tổ chức;
- b) Phạm tội nhiều lần.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”