Hành lang pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Nội dung bài viết

Thời gian vừa qua, doanh nghiệp startup (hay còn gọi là doanh nghiệp khởi nghiệp) tại Việt Nam đã có những bước đi lớn khi không chỉ được hưởng những chính sách kinh tế thuận lợi mà hành lang pháp lý còn được củng cố vững vàng hơn. Sau khi chọn năm 2016 là năm của Quốc gia khởi nghiệp, Chính phủ đã có những chính sách quan trọng nhằm hoàn thiện dần khuôn khổ pháp lý cho các doanh nghiệp startup tại Việt Nam. Nếu như trước kia Luật doanh nghiệp 2014 là văn bản pháp luật chính điều chỉnh các hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam thì kể từ giữa năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Với mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, ngày 12 tháng 06 năm 2017, Quốc hội tiếp tục ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018. Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo cũng đã củng cố hành lang pháp lý vững chắc hơn cho doanh nghiệp startup.

Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 hướng đến ba đối tượng chính, bao gồm: Doanh nghiệp thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Đây là tín hiệu vui đối với cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam, bởi Luật mới đã có những quy định cụ thể hơn về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như có những ưu đãi nhằm khuyến khích các cá nhân khởi nghiệp như doanh nghiệp do nữ làm chủ được ưu tiên hỗ trợ, doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh được hưởng các ưu đãi như: miễn lệ phí đăng kí doanh nghiệp; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm tiền sử dụng đất,…Bên cạnh đó, Nghị định số 38/2018/NĐ-CP cũng đã bổ sung thêm kênh mới về đầu tư quỹ khởi nghiệp cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đưa ra các nguyên tắc chung cho các nhà đầu tư khởi nghiệp sáng tạo khi cùng nhau góp vốn thông qua hình thức quỹ đầu tư. Là khối doanh nghiệp có mức vốn đầu tư thấp, rủi ro cao, quy định về đầu tư quỹ khởi nghiệp có ý nghĩa lớn bởi đối với các doanh nghiệp thường, họ cần đầu tư qua hình thức quỹ đầu tư chứng khoán. Quỹ đầu tư này có hai loại chính là quỹ đại chúng và quỹ thành viên. Tuy nhiên, theo quy định của Luật chứng khoán, bắt buộc phải có một công ty quản lý quỹ đứng ra thực hiện với mức vốn pháp định là 25 tỷ đồng. Đối với các doanh nghiệp startup, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo chỉ cần được thành lập theo pháp luật về doanh nghiệp, có ngành nghề quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, nếu như đối với quỹ đầu tư chứng khoán cần thực hiện qua 3 hoạt động chính là phát hành cổ phiếu, định giá cổ phiếu quý và chào bán cổ phiếu quý thì quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được góp vốn bằng Đồng Việt Nam, vàng, giá trị quyền sử dụng đất và các tài sản khác có thể định giá được.

Có thể nói thời gian qua, Chính phủ đã có những nỗ lực đáng kể để thúc đấy các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển lớn mạnh hơn, nhưng đi kèm với những thuận lợi vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Nghị định 38/2018/NĐ-CP mặc dù có những quy định nhằm khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn về mã ngành, nghề đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, hay nhóm ngành, nghề thực hiện quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải đối mặt với các thủ tục pháp lý còn rườm rà, phức tạp. Mặc dù có mức vốn thấp nhưng khi muốn bán doanh nghiệp, họ vẫn phải thực hiện các thủ tục như các doanh nghiệp lớn dẫn đến khoản phí phát sinh như thuê luật sư tư vấn cũng là một “gánh nặng” lớn. Cũng vì khả năng tiếp cận nguồn vốn còn thấp, tính pháp lý về đất đai, bất động sản chưa cao nên doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp khó khăn trong việc vay vốn tại các tổ chức tín dụng.

Trong bối cảnh thị trường startup Việt Nam ngày càng đa dạng, Chính phủ cần nỗ lực hơn nữa để khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp với các kênh đầu tư mới và hành lang pháp lý vững vàng hơn.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan