Doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh khác nhau ở những điểm gì?

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Tôi là Mai Anh, ở Hà Nội. Tôi đang dự định thành lập 1 cơ sở kinh doanh nhỏ nhưng đang phân vân lập hộ kinh doanh hay doanh nghiệp tư nhân. Xin hỏi quý công ty: Doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh khác nhau ở những điểm gì?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, về khái niệm:

- Khoản 1 Điều 183 Luật Doanh nghiệp năm 2014: "Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp”.

- Theo khoản 1 Điều 66 Nghị định 78/2015 NĐ-CP:Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh”.

Thứ hai, về tư cách pháp lý và thủ tục thành lập:

- Doanh nghiệp tư nhân sẽ có con dấu, được mở chi nhánh, văn phòng đại, có các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp. Theo đó, khi thành lập thì phải đăng ký kinh doanh ở Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh thuộc Sở kế hoạch và đầu tư. Điều này được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị định 78/2015/NĐ-CP. Sau khi đăng ký thì doanh nghiệp tư nhân sẽ có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

- Hộ kinh doanh sẽ không có con dấu, được mở chi nhánh, văn phòng đại diện. Cụ thể, nếu kinh doanh buôn bán thì phải lựa chọn một địa điểm cố định để đăng ký kinh doanh, có thể là nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi tạm trú hoặc địa điểm thường xuyên kinh doanh nhất. Trong trường hợp buôn bán lưu động, kinh doanh ngoài địa điểm kinh doanh phải thông báo cho cơ quan thuế, quản lý kinh doanh… Theo đó, khi thành lập thì phải đăng ký kinh doanh ở Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện. Điều này được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị định 78/2015/NĐ-CP. Sau khi đăng ký thì hộ kinh danh sẽ có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

Thứ ba, về chủ thể thành lập:

- Doanh nghiệp tư nhân chỉ có thể là do cá nhân thành lập. Trong đó có thể là cá nhân Việt Nam hoặc cá nhân nước ngoài.

- Hộ kinh doanh do một cá nhân là công dân Việt Nam hoặc một nhóm người hoặc một hộ gia đình thành lập.

Thứ tư, về số lượng lao động:

- Doanh nghiệp tư nhân: có quyền sử dụng không hạn chế số lượng lao động;

- Hộ kinh doanh sử dụng không quá 10 người lao động.

Căn cứ các phân tích trên, có thể thấy hộ kinh doanh thường phù hợp với các trường hợp kinh doanh với quy mô nhỏ, giới hạn về số lượng nguồn nhân lực tối đa không quá 10 người. Trong trường hợp bạn muốn sử dụng hơn 10 lao động thì bạn phải thành lập doanh nghiệp.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan