Câu 6: Thưa các đồng chí, thưa các bạn! Liên quan đến lĩnh vực thừa kế di sản, tài sản thời gian qua Chuyên mục bạn và pháp luật đã nhận được nhiều đơn thư từ bạn nghe Đài. Một thính giả ở An Giang có mail: Hoangyen2301.@.com. Nội dung câu hỏi như thế này: Bố tôi qua đời đột ngột do bị tai nạn giao thông nên không có di chúc. Đề nghị Luật sư tư vấn, nếu gia đình tôi muốn chia di sản của bố tôi để lại thì chia như thế nào? Và bố tôi cũng có nhận một người con nuôi thì người này có được thừa kế di sản của bố tôi không?
Luật sư trả lời:
Thứ nhất, theo nguyên tắc chung, nếu người mất có di chúc thì tài sản sẽ được chia theo di chúc; nếu không có hoặc di chúc không hợp pháp, tài sản của người mất sẽ được chia theo pháp luật.
Điều 650 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về những trường hợp thừa kế theo pháp luật như sau:
“1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp; …”.
Theo thông tin bạn cung cấp, bố bạn qua đời đột ngột do bị tai nạn giao thông nên không để lại di chúc do đó tài sản sẽ đem chia theo pháp luật.
Thứ hai, Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định hàng thừa kế theo pháp luật như sau:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.
Căn cứ quy định trên, những người thừa kế thuộc hàng thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Dựa trên nguyên tắc không phân biệt đối xử trong quan hệ hôn nhân và gia đình, pháp luật quy định những người thừa kế cùng hàng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau mà không phân biệt con đẻ, con nuôi.
Như vậy, kể cả khi chỉ là con nuôi thì vẫn có quyền hưởng phần di sản thừa kế do bố mẹ nuôi để lại ngang với các con đẻ của bố mẹ nuôi. Tuy nhiên, quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi chỉ được xác lập khi:
- Tại thời điểm nhận nuôi con nuôi, việc nuôi con nuôi được đăng ký tại UBND xã, phường, thị trấn nơi thường trú của cha mẹ nuôi hoặc con nuôi;
- Trường hợp việc nuôi con nuôi đã phát sinh trên thực tế mà chưa đăng ký trước ngày 1/1/2011, nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật nuôi con nuôi thì được đăng ký kể từ ngày 1/1/2011 đến hết ngày 31/12/2015 tại UBND cấp xã nơi thường trú của cha mẹ nuôi và con nuôi (Khoản 1 Điều 23 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi).
|