Câu 1: Thưa luật sư Nguyễn Thanh Hà! Chế định về thừa kế của Bộ luật dân sự năm 2015 được đánh giá có nhiều điểm tiến bộ khắc phục được những bất cập của luạt cũ năm 2005. Vậy những điểm mới của Bộ luật này là gì?
Luật sư trả lời:
Thừa kế là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống, tài sản để lại được gọi là di sản. Các chế định về vấn đề thừa kế do Pháp lệnh thừa kế năm 1990, Bộ Luật dân sự năm 1995, Bộ Luật dân sự năm 2005 luôn là một trong những các vấn đề gây tranh cãi do xung đột quyền lợi giữa các bên tham gia quan hệ luôn là đề tài nóng của pháp luật khi xử lý, giải quyết các tranh chấp phát sinh của các bên tham gia tố tụng.
Sau thời gian góp ý, xây dựng luật, ngày 24 tháng 11 năm 2015 Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua Bộ luật dân sự năm 2015 để thay thế Bộ Luật dân sự năm 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017. Nhìn chung, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định tương đối cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ về chế định thừa kế và có một số điểm mới sau:
Thứ nhất: Quyền thừa kế (Điều 609 BLDS 2015)
Trong BLDS 2005 chỉ quy định cá nhân là người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc và theo pháp luật. Tuy nhiên, đến BLDS 2015 đã có sự thay khi có thêm cả quy định người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.
Thứ hai: Quyền quản lý di sản (Điều 618 BLDS 2015)
Ngoài các quyền của người quản lý di sản được quy định tại BLDS 2005, BLDS 2015 còn bổ sung thêm một số quyền khác:
– Người quản lí di sản được hưởng thêm tiền thanh toán chi phí bảo quản di sản
– Trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý.
Thứ ba: Thời hiệu thừa kế (Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015)
Ngoài các quy định về thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác và thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết, thì BLDS 2015 còn quy định thêm thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
Thứ tư: Từ chối nhận di sản (Điều 620 BLDS 2015)
Bộ luật dân sự 2015 đã bỏ quy định từ chối nhận di sản thừa kế sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế. Thay vào đó là quy định linh hoạt hơn về thời gian từ chối nhận thừa kế đó là “Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản”.
Thứ năm: Hình thức của di chúc, nội dung di chúc
– Hình thức di chúc, theo Điều 169, BLDS 2005 thì di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc bằng miệng.
Người thuộc dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng chữ viết hoặc tiếng nói của dân tộc mình. Tuy nhiên, Điều 627 BLDS 2015 đã lược bỏ đi quy định người dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng chữ viết hoặc tiếng nói của dân tộc mình.
– Nội dung của di chúc: Điều 631 BLDS 2015 còn được bổ sung thêm quy định “Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa”.
– Ngoài ra, di chúc bằng văn bản có người làm chứng được bổ sung thêm quy định cho phép đánh máy để phù hợp với thực tế hiện nay (Điều 634 BLDS 2015).
Thứ sáu: Thứ tự ưu tiên thanh toán
Bộ luật dân sự 2015 đã quy định lại thứ tự ưu tiên thanh toán như sau:
- Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng.
- Tiền cấp dưỡng còn thiếu.
- Chi phí cho việc bảo quản di sản.
- Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ.
- Tiền công lao động.
- Tiền bồi thường thiệt hại.
- Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước.
- Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân.
- Tiền phạt.
- Các chi phí khác.
Thứ bảy: Hạn chế phân chia di sản (Điều 661 BLDS 2015)
Theo BLDS 2015 thì trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.
Trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định. Thời hạn này không quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn 03 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm.
|