Từ ngày 14/02/2025, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT sẽ chính thức có hiệu lực, thay thế Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT. Quy định mới này mang đến những thay đổi quan trọng mà giáo viên, nhà trường và các cơ sở dạy thêm cần đặc biệt lưu ý để đảm bảo tuân thủ pháp luật. Dưới đây là 3 điểm mấu chốt bạn không thể bỏ qua khi tổ chức dạy thêm, học thêm!
1. Những trường hợp KHÔNG được phép dạy thêm
- Không tổ chức dạy thêm cho học sinh tiểu học, ngoại trừ các lớp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao và kỹ năng sống.
- Giáo viên trường công lập & tư thục không được dạy thêm có thu phí ngoài nhà trường đối với chính học sinh mà mình đang giảng dạy theo kế hoạch giáo dục của trường.
- Giáo viên công lập không được quản lý hoặc điều hành hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường, nhưng vẫn có thể tham gia giảng dạy.
Lưu ý: Khi dạy thêm ngoài trường, giáo viên phải báo cáo với Hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian dạy.

2. Siết chặt quy định dạy thêm trong nhà trường
Việc tổ chức dạy thêm trong trường chỉ được thực hiện khi không thu tiền và dành riêng cho các đối tượng sau:
- Học sinh có kết quả học tập chưa đạt ở học kỳ liền kề.
- Học sinh được nhà trường lựa chọn bồi dưỡng học sinh giỏi.
- Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp.
Kinh phí dạy thêm trong trường sẽ do ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác chi trả, không thu phí từ học sinh.
3. Điều kiện mới đối với cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường
- Các cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh theo quy định.
- Công khai đầy đủ thông tin trên website hoặc niêm yết tại nơi dạy thêm về:
- Môn học giảng dạy
- Thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp
- Địa điểm, hình thức và thời gian học
- Danh sách giáo viên
- Mức học phí trước khi tuyển sinh