Thành lập Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: Nhà đầu tư cần lưu ý gì?

Nội dung bài viết

Hiện nay, nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển, hình thành rất nhiều loại hình doanh nghiệp, kéo theo đó các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu đẩy mạnh đầu tư vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là việc thành lập các công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

1. Vậy Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là gì?

Khoản 16 và 17 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2014 có quy định như sau:

“16. Tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.

17. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoàilà tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông”.

Từ quy định trên, chúng ta có thể hiểu Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam hoặc là doanh nghiệp Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại.

2. Hình thức đầu tư nước ngoài

Theo Luật đầu tư năm 2014 và Luật doanh nghiệp năm 2014, nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập công ty tại Việt Nam để trực tiếp thực hiện hoạt động kinh doanh có 02 phương án sau:

Phương án 1: Đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu (dù là Doanh Nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài hay là Doanh nghiệp Liên Doanh) và sau đó thực hiện thủ tục Đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Phương án 2: Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần trong Công ty Việt Nam, sau đó tham gia quản lý công ty theo sự thỏa thuận của các bên

Tùy vào lĩnh vực đầu tư, vốn đầu tư và mức độ am hiểu thị trường Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài sẽ chọn một trong hai phương án nêu trên để phù hợp với việc đầu tư của mình.

3. Điều kiện thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Để được thành lập công ty tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần đáp ứng hải điều kiện sau:

Thứ nhất, về tư cách pháp lý: Là cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức nước ngoài (được thành lập hợp pháp theo quy định của nước sở tại) mà quốc gia đó có tham gia Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO hoặc các quốc gia có hiệp định với Việt Nam.

Thứ hai, về Lĩnh vực đầu tư: Phù hợp với lĩnh vực đầu tư mà Việt Nam cho phép.

4. Trình tự, thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là thủ tục đầu tiên khi muốn thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, để thực hiện thủ tục này, chủ đầu tư cần:

Bước 1: Nhà đầu tư chuẩn bị đầy đủ Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.

Bước 2: Nhà đầu tư nộp Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính tại Cơ quan đăng ký đầu tư theo đúng quy định. Sau khi kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ xin cấp giấy phếp. Bộ phận tiếp nhận hồ sơ sẽ trao giấy biên nhận Hồ sơ cho nhà đầu tư và hẹn ngày trả kết quả.

Trong thời hạn 15 – 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ đối với những dự án không thuộc diện quyết định chủ chương đầu tư

Trong thời hạn 05 – 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản quyết định chủ chương đầu tư của cấp tương ứng đối với những dự án thuộc diện phê duyệt quyết định chủ chương đầu tư.

Cơ quan đăng ký đầu tư sẽ trả kết quả xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư theo quy định.

Bước 3: Căn cứ theo thời gian ghi trên giấy hẹn trả kết quả, Nhà đầu tư liên hệ trực tiếp với Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Cơ quan đăng ký đầu tư để được nhận Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định.

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhà đầu tư tiếp tục thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

5. Trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiêp có vốn đầu tư nước ngoài

Sau khi đã có được giấy chứng nhận đầu tư, là lúc doanh nghiệp có thể tiến hành hồ sơ để thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Bước 1. Doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ sau:

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo mẫu quy định Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT;

2. Điều lệ công ty có đầy đủ chữ ký của những thành viên/cổ đông sáng lập và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.;

3. Danh sách thành viên công ty, thành viên là nhà đầu tư nước ngoài/cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài. Danh sách người đại diện theo ủy quyền đối với cổ đông nước ngoài là tổ chức

4. Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau đây:

a. Giấy tờ chứng thực cá nhân đối với thành viên/cổ đông là cá nhân

b. Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của người đại diện theo ủy quyền và văn bản ủy quyền tương ứng đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là tổ chức;

c. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bước 2. Doanh nghiệp trực tiếp đến nộp Hồ sơ tại Phòng Đăng ký Kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh, Thành phố.

Nhà đầu tư hoặc người được ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và thanh toán lệ phí tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Khi nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận.

Bước 3. Tiếp nhận kết quả đăng ký thành lập công ty

Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày nhận được Hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Bộ phận một cửa của Phòng đăng ký kinh doanh.

Trường hợp Hồ sơ không hợp lệ Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ thông báo cho người thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài biết bằng văn bản đồng thời nêu rõ lý do từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Bước 4. Thủ tục sau thành lập doanh nghiệp

Thực hiện thủ tục Công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh.

Khắc con dấu doanh nghiệp và đăng thông báo về việc sử dụng mẫu con dấu doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Thực hiện thủ tục kê khai và nộp thuế ban đầu cho doanh nghiệp.

Mở tài khoản ngân hàng và thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý thuế trực tiếp.

Các thủ tục khác theo quy định của pháp luật.

Bước 5. Thực hiện dự án đầu tư

Sau khi hoàn thành tất cả các thủ tục nêu trên, doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động theo như quy định trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Đồng thời, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động của mình cũng phải tuân thủ đầy đủ theo các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam là nước thành viên. Nếu có bất kỳ vấn đề thay đổi hay điều chỉnh nào phải báo cáo lại với cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan quản lý trực tiếp của doanh nghiệp theo đúng quy định.

6. Thẩm quyền cấp phép thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài

Thứ nhất, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư:

Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận, cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư sau:

  • Dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế;
  • Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao tại những địa phương chưa thành lập Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao.

Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế tiếp nhận, cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, gồm:

  • Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao;
  • Dự án đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư đặt hoặc dự kiến đặt trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư tiếp nhận, cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư sau đây:

  • Dự án đầu tư thực hiện trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
  • Dự án đầu tư thực hiện đồng thời ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.

Thứ hai, thẩm quyền cấp Giấy chứng đăng ký doanh nghiệp và công bố con dấu pháp nhân của doanh nghiệp: Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư đặt trụ sở chính Công ty.

Mời quý vị xem phần tư vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà về việc lập công ty logistic tại Việt Nam cho nhà đầu tư nước ngoài.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan