Xâm phạm bí mật kinh doanh, bị xử lý như thế nào?

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Mình ở Hà Nội. Trước đây mình từng làm việc cho 1 tiệm phở nên có biết một số công thức riêng của cửa hàng đó. Sau 10 năm làm việc ở đó, mình xin nghỉ và về mở một tiệm phở riêng. Mình có sử dụng vài công thức mà mình biết ở tiệm phở cũ nhưng cũng sử dụng cả những công thức mới của riêng mình. Về sau, chủ tiệm phở cũ biết mình sử dụng công thức của họ nên bắt mình đóng cửa hàng, còn dọa thuê người đến phá nếu không đóng. Mình muốn hỏi rằng: Tiệm phở của mình có phải đóng cửa vì lý do trên không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Điều 84 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về Điều kiện chung đối với bí mật kinh doanh được bảo hộ như sau:

“Bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;

2. Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;

3. Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được”.

Như thông tin mà bạn cung cấp, các công thức mà bạn sử dụng để nấu phở là những công thức riêng của cửa hàng cũ trước đó. Như vậy đây có thể coi là bí mật kinh doanh của cửa hàng. Bởi vì nó không phải là hiểu biết thông thường, tạo lợi thế trong kinh doanh giữa cửa hàng này và cửa hàng khác. Ngoài ra do bạn đã từng làm việc lâu năm tại cửa hàng nên mới có thể biết được những công thức đó.

Theo Điều 127 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về Hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh, bao gồm:

“1. Các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh:

a) Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh đó;

b) Bộc lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó;

c) Vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, xui khiến, mua chuộc, ép buộc, dụ dỗ, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập hoặc làm bộc lộ bí mật kinh doanh;

d) Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người nộp đơn theo thủ tục xin cấp phép kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của cơ quan có thẩm quyền;

đ) Sử dụng, bộc lộ bí mật kinh doanh dù đã biết hoặc có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được có liên quan đến một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này;

e) Không thực hiện nghĩa vụ bảo mật quy định tại Điều 128 của Luật này.

2. Người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm chủ sở hữu bí mật kinh doanh, người được chuyển giao hợp pháp quyền sử dụng bí mật kinh doanh, người quản lý bí mật kinh doanh”.

Trong trường hợp của bạn, dù đã biết đó là công thức riêng của tiệm phở cũ, chưa xin phép nhưng vẫn sử dụng làm công thức để nấu phở cho tiệm của mình đã vi phạm vào Khoản b Điều 127 Luật sở hữu trí tuệ nêu trên. Mặc dù bạn có sử dụng một số công thức riêng cho tiệm phở của mình nhưng việc sử dụng bí mật kinh doanh mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu thì vẫn bị coi là hành vi vi phạm.

Trường hợp này có thể xử lý như sau:

Nếu bạn và tiệm phở cũ không thể thỏa thuận giải quyết mâu thuẫn thì Toà án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:

“1. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;

2. Buộc xin lỗi, cải chính công khai;

3. Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;

4. Buộc bồi thường thiệt hại;

5. Buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ”.

Căn cứ vào mức độ thiệt hại của tiệm phở cũ do việc sử dụng công thức bí mật, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Bạn có thể bị áp dụng một số biện pháp nêu trên. Ngoài ra tiệm phở của bạn không phải đóng cửa do không sử dụng hoàn toàn công thức của tiệm cũ. Mặt khác sau khi thực hiện các biện pháp nêu trên, tiệm phở vẫn có thể kinh doanh bình thường với các công thức nấu phở của riêng mình mà không phải là của người khác.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan