Câu hỏi:
Xin chào luật sư của SB Law, chúng tôi có một vấn đề liên quan đến người đại diện cho chi nhánh muốn nhờ luật sư giải đáp giúp:
Công ty chúng tôi dự định lập chi nhánh công ty A (địa chỉ ở Hà Nội) tại Khánh Hòa. Và bổ nhiệm người đứng đầu Chi Nhánh là người nước ngoài. Vậy Giấy phép làm việc và thẻ tạm trú của người đại diện chi nhánh này có bắt buộc phải được cấp tại cơ quan quản lý ở Khánh Hòa hay không? Nếu cấp tại Hà Nội thì có thể có rủi ro pháp lý gì không? Giả sử nếu chúng tôi vẫn làm giấy tờ cho người nước ngoài làm việc cho Chi Nhánh Khánh Hòa ở Hà Nội thì sẽ bị phạt hay hồ sơ của bên chúng tôi sẽ không được chấp nhận luôn? Hoặc có cách gì để chúng tôi có thể tiếp tục làm giấy tờ làm việc cho người làm việc cho chi nhánh tại cơ quan quản lý ở Hà Nội không?
Xin cám ơn sự hợp tác của luật sư.
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB Law cảm ơn Khách hàng đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến các thắc mắc của Khách hàng, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 11, Nghị định số 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ mới ban hành ngày 30 tháng 12 năm 2020 và sẽ có hiệu lực vào ngày 15 tháng 2 năm 2021, đối với trường hợp người lao động nước ngoài xin cấp giấy phép lao động để thực hiện hợp đồng lao động, ít nhất 15 ngày kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc tại Việt Nam, người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc. Do đó, trong trường hợp của Khách hàng, người lao động sẽ làm việc ở chi nhánh Khánh Hòathì sẽ nộp hồ sơ cơ quan đặt trụ sở tạiKhánh Hòa.
Trong trường hợp Khách hàng nộp hồ sơ xin giấy phép lao động tại Hà Nội và nêu trong hồ sơ dự kiến địa điểm làm việc tại Khánh Hòa thì hồ sơ của Khách hàng chắc chắn sẽ bị từ chối. Nếu nộp tại Hà Nội thì địa điểm làm việc sẽ được xác định là tại Hà Nội. Sau này, nếu người lao động thực tế sang làm việc tại Khánh Hòathì họ sẽ yêu cầu cấp lại giấy phép lao động do Người lao động đã chuyển đổi địa điểm làm việc. Nếu Công ty Khách hàng không xin lại giấy phép lao động thì mức phạt vi phạm hành chính là từ 5-10,000,000VNĐ/01 người (theo quy định tại Khoản 2, Điều 31, Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng).
Quý khách hàng có thể tham khảo thêm nội dung tư vấn của chúng tôi cho vấn đề khác liên quan qua đường link:
https://vi.sblaw.vn/dang-ky-thanh-lap-chi-nhanh-doanh-nghiep/