Thưa luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW, hiện tại VOV Giao thông đang thực hiện 1 chương trình phát thanh xoay quanh quy định giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. VOV và khán thính giả rất mong có được ý kiến từ một chuyên gia luật như anh Thanh Hà để thính giả có cái nhìn toàn cảnh về vấn đề này ạ.
Để thuận tiện, kênh VOV Giao thông xin phép ông trả lời giúp những câu hỏi sau đây để phục vụ chương trình phát thanh phát sóng trên đài như sau:
Câu 1: Đâu là cơ sở pháp lý cho Quy định giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước?
Trả lời:
Ngày 29/8/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2024/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đó, từ ngày 1/9/2024 đến hết ngày 30/11/2024, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ; các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Từ ngày 01/12/2024 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ; các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Nghị định 109/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2024 đến hết ngày 30/11/2024.
Câu 2: Các lần giảm lệ phí trước bạ lần trước được áp dụng trong 6 tháng nhưng lần này chỉ áp dụng trong 3 tháng, vì sao lại có sự thay đổi này?
Trả lời:
Theo Bộ Tài chính, trong 3 tháng đầu năm 2024, doanh số toàn thị trường ô tô (bao gồm cả xe du lịch và xe thương mại) đã giảm 17% so với cùng kỳ năm 2023 và chỉ đạt 58.165 xe. Thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng cho thấy, sản lượng bình quân 1 tháng trong 4 tháng đầu năm 2024 khoảng 14.167 xe/tháng.
Điều đáng nói, trong khi sản lượng và doanh số bán ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước liên tục giảm, thì ô tô nhập khẩu nguyên chiếc lại tăng nhanh. Nhiều mẫu xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đã được nhà phân phối mạnh tay ưu đãi, hạ giá sâu giúp tăng doanh số, thu hẹp khoảng cách đáng kể so với xe trong nước.
Bộ Tài chính cho rằng, việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là một trong những giải pháp hỗ trợ tài chính, khuyến khích tiêu dùng; phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
Một số lý do khiến cho lần giảm lệ phí trước bạ này chỉ kéo dài 03 tháng thay vì 06 tháng như những lần trước là:
Đầu tiên là do 3 tháng cuối là thời điểm mua sắm sôi động trong năm. Thời điểm 3 tháng cuối năm vừa bước qua tháng 7 âm lịch và đi vào chu kỳ mua sắm cuối năm tăng cao. Việc giảm phí trước bạ vào khoảng thời gian này giúp kích thích tiêu dùng vào thời điểm nhu cầu mua sắm tăng cao nhất. Khoảng thời gian giảm ngắn tạo ra sự khẩn trương, thúc đẩy người tiêu dùng ra quyết định mua xe nhanh hơn, từ đó giúp thị trường hồi phục nhanh hơn trong ngắn hạn.
Thứ hai là vì tình hình thị trường ô tô. Mặc dù Chính phủ đã áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ nhằm kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng thực tế cho thấy hiệu quả của chính sách này không như mong đợi. Các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước vẫn gặp khó khăn và không thể vực dậy thị trường ô tô, dẫn đến doanh thu giảm sút. Điều này cho thấy rằng một thời gian giảm phí ngắn hơn có thể là một cách để thử nghiệm hiệu quả của chính sách trong bối cảnh thị trường hiện tại.
Thứ ba là cân nhắc về cam kết quốc tế. Bộ Tài chính đã chỉ ra rằng việc giảm lệ phí trước bạ có thể vi phạm các cam kết quốc tế, gây ra nguy cơ bị xử phạt từ các nước xuất khẩu ô tô vào Việt Nam. Do đó, việc rút ngắn thời gian áp dụng có thể là một biện pháp để giảm thiểu rủi ro này, đồng thời vẫn giữ được một số hỗ trợ cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc áp dụng giảm phí trong thời gian ngắn hơn có thể là một cách để đánh giá lại chính sách này và tìm ra phương án phù hợp hơn trong tương lai, nhằm không chỉ hỗ trợ ngành ô tô mà còn đảm bảo tuân thủ các cam kết về môi trường và phát thải.
|