Việc sửa đổi Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước là hết sức cần thiết để đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả với các thách thức và yêu cầu mới đang được đặt ra trong lĩnh ngân hàng. Dưới đây là ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW về vấn đề trên.
Câu 1: Dưới góc độ chuyên môn, Luật sư có thể phân tích kỹ hơn về chi tiết chưa đúng pháp luật của Thông tư 06 ngày 28/6/2023 của Ngân hàng Nhà nước?
Trả lời:
Một trong số những nguyên tắc để ban hành văn bản quy phạm pháp luật là đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, và tính thống nhất VBQPPL. Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng của Ngân hàng Nhà nước đã vi phạm tính thống nhất khi quy định tại Điểm c khoản 6 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN quy định biện pháp phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có sự mâu thuẫn với pháp luật về biện pháp bảo đảm (theo Bộ luật Dân sự năm 2015, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP). Điều này đã khiến quy định có sự chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau.
Chữ “phong tỏa” trong điểm c, khoản 6, Điều 1 của Thông tư 06/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước là không chính xác theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 101/2012/NĐ-CP, “tạm khóa” là việc tổ chức tín dụng không cho phép chủ tài khoản thực hiện các giao dịch thông qua tài khoản đó theo yêu cầu của chủ tài khoản. Còn “Phong tỏa” là việc tổ chức tín dụng không cho phép chủ tài khoản thực hiện các giao dịch thông qua tài khoản đó theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, trường hợp tiền vay được giải ngân vào tài khoản, thì tài khoản có thể bị phong tỏa khi có yêu cầu của cơ quan pháp luật. Còn nếu “theo thỏa thuận của các bên” thì phải gọi là “tạm khóa tài khoản”, chứ không được phép phong tỏa. Tuy nhiên, Thông tư 06/2023/TT-NHNN lại quy định chung chung là “phải có biện pháp phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay” cho cả hai trường hợp khác nhau nhưng sau đó lại giải thích không rõ ràng. Điều này đã dẫn đến sự hiểu lầm và thực hiện không thống nhất của các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra nếu quy định về việc tổ chức tín dụng được tự quyết định việc áp dụng biện pháp phong tỏa số tiền giải ngân vốn vay là chưa phù hợp với nguyên tắc phân công, phân cấp trong hoạt động quản lý nhà nước. Theo quy định của pháp luật, việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản là một biện pháp cưỡng chế thi hành án. Việc áp dụng biện pháp này phải tuân theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới có thể yêu cầu chủ tài khoản tại các tổ chức tín dụng bị phong tỏa tài khoản theo quy định của pháp luật để làm rõ, xác minh vụ việc. Tuy nhiên, quy định tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN lại cho phép tổ chức tín dụng tự quyết định việc áp dụng biện pháp phong tỏa số tiền giải ngân vốn vay. Quy định này là chưa phù hợp với quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, bởi việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản không phải là một biện pháp quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, mà là một biện pháp cưỡng chế thi hành án. Ngoài ra, quy định này cũng tạo ra sự thiếu thống nhất trong việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản, bởi mỗi tổ chức tín dụng có thể có quy định khác nhau về việc áp dụng biện pháp này.
Câu 2: Vấn đề này gây thiệt hại gì tới cộng đồng doanh nghiệp? (Nếu có thể)
Trả lời:
Thông tư 06/2023/TT-NHNN có những điểm không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Nghị định 101/2012/NĐ-CP dẫn đến những hạn chế, thiệt hại tới các doanh nghiệp cụ thể như sau:
Thứ nhất, bất cập trên gây hạn chế quyền lựa chọn biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong quan hệ dân sự của doanh nghiệp.
Thứ hai, tăng chi phí của Doanh nghiệp. Việc cho vay để góp vốn không phải là "trường hợp cho vay để thanh toán tiền nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ" để phải phong tỏa tiền vay. Nếu hiểu theo cách doanh nghiệp vay tiền nhưng lại không được dùng tiền thì bên nhận góp vốn khó có thể triển khai được dự án và hoàn thành nghĩa vụ với bên góp vốn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phải có tài sản bảo đảm gấp đôi (để ngân hàng cho vay và để ngân hàng giải tỏa số tiền đã giải ngân) cho cùng một khoản vay. Quy định này là vô lý, gây lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp
Thứ ba, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn vay. Doanh nghiệp vay vốn thường là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Việc bị phong tỏa số tiền giải ngân vốn vay sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc sử dụng vốn vay để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và phát triển của doanh nghiệp.
Ngoài ra, biện pháp phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc sử dụng vốn vay để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và phát triển của doanh nghiệp. Việc này cũng có thể khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ khác, từ đó có thể dẫn đến rủi ro phá sản cho doanh nghiệp.
Mời quý khách tham khảo >> Dịch vụ tư vấn thị trường vốn