Thành lập “Pháp nhân ma’’ để lừa đảo

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã trả lời phỏng vấn về vấn đề Thành lập “Pháp nhân ma’’ để lừa đảo tên Báo Nhân dân. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Luật sư Nguyễn Thanh Hà
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty Luật SBLaw

Câu 1. Thưa LS Nguyễn Thanh Hà, theo quy định của PL thì pháp nhân là gì? Những loại hình doanh nghiệp nào có tư cách pháp nhân?
Trả lời:

Theo Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về pháp nhân như sau:
“1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
2. Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác”.
Đồng thời theo Điều 83 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về cơ cấu tổ chức của pháp nhân như sau:
“1. Pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân.
2. Pháp nhân có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật”.
Theo đó, pháp nhân có thể hiểu là một tổ chức đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Được thành lập theo quy định của pháp luật dân sự;
- Có cơ cấu tổ chức;
- Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
- Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Theo Luật Doanh nghiệp 2020 quy định 05 loại hình doanh nghiệp, bao gồm:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
- Công ty hợp danh;
- Công ty cổ phần;
- Doanh nghiệp tư nhân.
Trong các loại hình doanh nghiệp trên thì 04 loại hình (công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, công ty cổ phần) đều thuộc loại hình có tư cách pháp nhân. Còn đối với loại hình doanh nghiệp tư nhân thì là loại hình duy nhất không có tư cách pháp nhân.

Câu 2. Tại sao khi thực hiện các hành vi sai phạm lại thường núp bóng các công ty Ma – pháp nhân Ma? Thưa LS Nguyễn Thanh Hà?
Trả lời:

Trong môi trường kinh doanh, việc sử dụng các công ty ma để che giấu hoạt động sai phạm là một vấn đề phức tạp và đáng lo ngại. Các công ty này thường không có hoạt động kinh doanh thực sự nhưng lại được sử dụng như một công cụ để che đậy các hành vi vi phạm pháp luật, như trốn thuế, rửa tiền, hoặc tham nhũng. Một số lý do khiến các công ty ma trở nên phổ biến trong các hành vi sai phạm bao gồm việc chúng có thể giúp che giấu danh tính thực sự của những người đứng sau các giao dịch bất hợp pháp, tạo ra các lớp phức tạp trong các giao dịch tài chính để khó có thể theo dõi, và giảm thiểu rủi ro pháp lý cho những người tham gia. Việc sử dụng công ty ma làm gia tăng đáng kể khó khăn trong việc phát hiện và truy tố các hành vi sai phạm, đồng thời gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế và xã hội. Để đối phó với vấn đề này, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi pháp luật, và cộng đồng quốc tế, cũng như việc áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc thành lập và quản lý các doanh nghiệp.

Câu 3. Nhìn từ vụ án Vạn Thịnh Phát, đã có hàng trăm pháp nhân MA được thành lập để phục vụ cho mục đích rút tiền của ngân hàng. Phải chăng quy định PL về việc thành lập DN có tư cách pháp nhân quá dễ dàng nên mới dẫn đến việc lợi dụng để thực hiện hành vi sai phạm? Thưa LS?
Trả lời:

Các quy định pháp luật hiện hành về thủ tục thành lập doanh nghiệp được đánh giá là khá đơn giản và chi phí thấp giúp phát huy tốt quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Chỉ cần có thông tin cá nhân, kèm theo các tờ khai về địa chỉ, ngành nghề đăng ký kinh doanh, kê khai vốn điều lệ… và chờ trong khoảng một tuần thì sẽ hoàn tất các thủ tục cho ra đời một doanh nghiệp. Nhưng cũng vì trình tự, thủ tục thông thoáng mà đã có không ít các trường hợp cá nhân hay tổ chức lợi dụng lỗ hổng pháp luật để thành lập công ty ma nhằm phục vụ mục đích bất chính như rút tiền ngân hàng hay chiếm đoạt tiền thuế…
Các quy định pháp luật hiện hành về thủ tục thành lập doanh nghiệp được đánh giá là đơn giản, dễ dàng và chi phí thấp giúp phát huy tốt quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Chỉ cần có thông tin cá nhân, kèm theo các tờ khai về địa chỉ, ngành nghề đăng ký kinh doanh, kê khai vốn điều lệ… và chờ trong khoảng một tuần thì sẽ hoàn tất các thủ tục cho ra đời một doanh nghiệp. Nhưng cũng vì trình tự, thủ tục thông thoáng mà đã có không ít các trường hợp cá nhân hay tổ chức lợi dụng lỗ hổng pháp luật để thành lập công ty Ma nhằm phục vụ mục đích bất chính như rút tiền ngân hàng hay chiếm đoạt tiền thuế…
Theo quy định hiện nay, pháp luật không hạn chế số lượng công ty mà một người có thể làm giám đốc nếu họ không thuộc trường hợp bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Do đó có trường hợp còn thuê xe ôm, giúp việc, lái xe làm giám đốc để mua bán trái phép hóa đơn VAT. Được gắn mác to như vậy nhưng thực chất các giám đốc được thuê tại các công ty "ma" chỉ đóng vai trò bù nhìn, đến tháng nhận lương mà hoàn toàn không ý thức được hành vi tiếp tay gian lận của mình. Có người còn sử dụng căn cước công dân của người khác, giả chữ ký giám đốc để quản lý hồ sơ pháp nhân, con dấu của công ty Ma. Hoặc có những trường hợp công ty Ma khi thành lập đã kê khai không đúng địa chỉ như: Ghi địa chỉ ở một nơi nhưng thực tế đặt trụ sở chính tại một nơi khác; lấy địa chỉ nhà riêng của người khác hoàn toàn không liên quan đến doanh nghiệp làm địa chỉ trụ sở chính cho công ty mình. Chính điều này đã khiến các cơ quan nhà nước khó liên hệ công tác và kiểm soát.

Thành lập "Pháp nhân ma"
Thành lập "Pháp nhân ma" để lừa đảo

Câu 4. Trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân đang được PL quy định như thế nào? Có gì bất cập trong vấn đề này không? Thưa LS Nguyễn Thanh Hà?
Trả lời:

Trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân được quy định tại Điều 2 và Điều 76 BLHS 2015 (được sửa đổi bổ sung 2017). Theo đó, trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại là một dạng trách nhiệm pháp lý, là hậu quả pháp lý bất lợi mà pháp nhân thương mại phải gánh chịu trước nhà nước, xuất phát từ hành vi gây nguy hiểm cho xã hội mà những hành vi này được quy định là tội phạm trong pháp luật hình sự.
Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 của BLHS 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Căn cứ Điều 75 BLHS 2015 (được sửa đổi bổ sung 2017), pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;
- Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;
- Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;
- Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại còn gặp phải một số vướng mắc phần lớn bắt nguồn từ những hạn chế, bất cập ngay trong các quy định của Bộ luật. Một số bất cập cụ thể như sau:
Thứ nhất, khái niệm và bản chất của trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại:
Khoản 1 Điều 8 của Bộ luật Hình sự năm 2015 định nghĩa tội phạm như sau: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội… do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm…”. Theo quy định này, có thể hiểu rằng tội phạm không chỉ có thể được thực hiện bởi cá nhân mà còn bởi pháp nhân thương mại. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 75 của Bộ luật Hình sự năm 2015 lại đề ra điều kiện để pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự, đó là "hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại". Điều này có nghĩa là pháp nhân thương mại không thể trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội mà phải thông qua cá nhân đại diện của nó. Nói cách khác, chủ thể của tội phạm vẫn là cá nhân và pháp nhân thương mại không thể "tự mình" phạm tội. Do đó, trong cùng một Bộ luật, đã xuất hiện mâu thuẫn và thiếu sự thống nhất trong việc định rõ bản chất trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.
Thứ hai, tiếu tính nhất quán trong quy định về tội danh đối với pháp nhân thương mại:
Bộ luật Hình sự năm 2015 đã xác định rõ phạm vi tội danh mà pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự thuộc các nhóm tội phạm kinh tế, tội phạm về môi trường và các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Tuy nhiên, trong số 33 điều quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, chỉ có 26 điều được định rõ theo cách phù hợp với bản chất của việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Còn lại, có 7 điều luật không phù hợp với bản chất của việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Điều này có nghĩa là có sự chênh lệch trong việc quy định các hành vi phạm tội riêng biệt cho hai chủ thể (cá nhân và pháp nhân thương mại) đối với cùng một tội phạm.
Ví dụ, đối với tội phạm "buôn lậu", mức phạt tiền đối với cá nhân được quy định là trị giá hàng hóa từ 100.000.000 đồng trở lên sẽ chịu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu. Tuy nhiên, đối với pháp nhân thương mại, thông thường hàng hóa phải có giá trị từ 200.000.000 đồng trở lên mới chịu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu (Điều 188 BLHS năm 2015). Sự khác biệt trong quy định này đã và đang tạo ra sự bất bình đẳng giữa hai chủ thể chịu trách nhiệm hình sự và không phù hợp với bản chất của việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân nói chung và pháp nhân thương mại nói riêng.
Thứ ba, khó khăn trong quy định về điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại.
Khoản 1 Điều 75 BLHS năm 2015 quy định các điều kiện để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại. Các điều kiện phải đảm bảo tính độc lập, nghĩa là phải có đủ các điều kiện này mới truy cứu được trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại. Tuy nhiên, điều kiện thứ nhất và điều kiện thứ ba dường như chưa độc lập với nhau bởi thực tế, nếu hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại thì không thể lại có trường hợp không có sự chỉ đạo, điều hành, chấp thuận của pháp nhân thương mại và ngược lại, nếu đã có sự chỉ đạo, điều hành hay chấp thuận của pháp nhân thương mại thì chính là đã nhân danh pháp nhân thương mại. Hơn nữa, pháp nhân thương mại không thể tự nhận thức để thực hiện hành vi mà phải thông qua người đại diện.
Điều 9 BLHS năm 2015 quy định, khi phân loại tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện áp dụng theo quy định phân loại tội phạm do cá nhân thực hiện tại khoản 1 Điều 9 BLHS năm 2015 với các khung hình phạt gồm: hình phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù, tù chung thân, tử hình. Điều này dường như không phù hợp với pháp nhân thương mại, vì trong số các hình phạt này chỉ có hình phạt tiền là hình phạt được áp dụng chung cho cả cá nhân và pháp nhân thương mại.
Thứ tư, chưa có quy định rõ về hình phạt và các biện pháp tư pháp cần áp dụng đối với pháp nhân thương mại.
Về bản chất, pháp nhân thương mại không thể tự phạm tội mà phải do cá nhân hoặc một nhóm người nắm quyền lãnh đạo của pháp nhân thương mại đó phạm tội. Do vậy, trong trường hợp tiến hành áp dụng hình phạt đối với pháp nhân thương mại, nếu không có các quy định rõ ràng sẽ khó tránh khỏi việc ảnh hưởng tới quyền lợi của các cổ đông và người lao động khác thuộc pháp nhân thương mại đó.

Câu 5. Quy định PL cần sửa đổi như thế nào để đủ sức răn đe đối với việc thành lập pháp nhân MA để lừa đảo và tiếp tay cho sai phạm? Thưa LS?
Trả lời:

Để đủ sức răn đe đối với việc thành lập pháp nhân để lừa đảo và tiếp tay cho sai phạm, quy định pháp luật có thể được sửa đổi theo các hướng sau:
Thứ nhất, hoàn thiện quy định về thành lập pháp nhân: Yêu cầu rõ ràng về quy trình và tiêu chí thành lập pháp nhân, đảm bảo tính minh bạch và đúng quy định; Tăng cường kiểm tra và xác minh thông tin về chủ sở hữu, người đại diện pháp nhân, đảm bảo tính chính xác và trung thực; Đặt ra các yêu cầu nghiêm ngặt về vốn điều lệ và nguồn tài chính của pháp nhân, đảm bảo tính bền vững và khả năng thực hiện cam kết.
Thứ hai, tăng cường quản lý và giám sát hoạt động của pháp nhân: Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của pháp nhân, tập trung vào các doanh nghiệp có dấu hiệu nghi vấn lừa đảo; Xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động của pháp nhân, bao gồm cả việc đình chỉ hoạt động, giải thể pháp nhân.
Thứ ba, nâng cao trách nhiệm pháp lý của các cá nhân liên quan: Đặt ra các quy định rõ ràng về trách nhiệm của chủ sở hữu, người đại diện pháp nhân trong việc quản lý và giám sát hoạt động của pháp nhân; Đặt ra trách nhiệm với các cơ quan quản lý và giám sát trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động của pháp nhân.

Tham khảo thêm >> Làm thế nào để kiểm soát doanh nghiệp?

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan