Quy định về đảm bảo thực hiện dự án theo Luật Đầu tư 2020

Nội dung bài viết

Căn cứ pháp lí

Điều 43 Luật Đầu tư 2020, Điều 25, Điều 26 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

Những dự án có nghĩa vụ phải thực hiện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư

Đối với những dự án có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, nhà đầu tư phải có nghĩa vụ thực hiện bảo đảm thực hiện dự án để chứng minh năng lực tài chính của mình. Ngoại trừ bốn trường hợp sau đây:

  • Nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;
  • Nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất;
  • Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng dự án đầu tư đã thực hiện ký quỹ hoặc đã hoàn thành việc góp vốn, huy động vốn theo tiến độ quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
  • Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất khác.

Hình thức bảo đảm thực hiện dự án của nhà đầu tư

Theo quy định pháp luật đầu tư, nhà đầu tư có thể bảo đảm thực hiện dự án của nhà đầu tư thông qua 2 hình thức: ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng; hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức tín dụng) về nghĩa vụ ký quỹ (theo đó nhà đầu tư sẽ phải nộp chứng thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng về nghĩa vụ kí quỹ). Theo đó, Luật Đầu tư 2020 đã bổ sung thêm hình thức bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ kí quỹ so với Luật Đầu tư 2014.

Nghĩa vụ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan đăng kí đầu tư và nhà đầu tư.

Mức bảo đảm thực hiện dự án

Mức bảo đảm thực hiện dự án đầu tư được xác định bằng tỷ lệ phần trăm trên vốn đầu tư của dự án đầu tư theo nguyên tắc lũy tiến từng phần. Tuy nhiên, phần vốn này không bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nộp cho nhà nước và chi phí xây dựng các công trình thuộc dự án đầu tư mà nhà đầu tư có nghĩa vụ bàn giao cho nhà nước quản lý sau khi hoàn thành (nếu có). Trường hợp tại thời điểm ký kết Thỏa thuận bảo đảm thực hiện dự án đầu tư mà chưa xác định được chính xác các chi phí xây dựng các công trình bàn giao cho Nhà nước thì cơ quan đăng ký đầu tư căn cứ vào dự toán chi phí trong Đề xuất dự án do nhà đầu tư lập để xác định số tiền bảo đảm thực hiện dự án đầu tư.

Cụ thể, mức bảo đảm kí quỹ là:

  • Đối với phần vốn đến 300 tỷ đồng, mức bảo đảm là 3%;
  • Đối với phần vốn trên 300 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng, mức bảo đảm là 2%;
  • Đối với phần vốn trên 1.000 tỷ đồng, mức bảo đảm là 1%.

Thời điểm nhà đầu tư thực hiện bảo đảm dự án

Sau khi được cấp các văn bản chấp thuận đầu tư (Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư; hoặc Quyết định chấp thuận nhà đầu tư; hoặc Quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá), Nhà đầu tư có thể thực hiện nghĩa vụ bảo đảm khi:

  • Trước khi tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (đối với trường hợp nhà đầu tư không tạm ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư); hoăc
  • Trước thời điểm ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (đối với trường hợp nhà đầu tư đã tạm ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc trường hợp nhà đầu tư được lựa chọn để thực hiện dự án thông qua đấu giá quyền sử dụng đất và được Nhà nước cho thuê đất, trả tiền thuê đất hằng năm).

Thực hiện nghĩa vụ bảo đảm với những dự án được phân kì đầu tư

Đối với dự án đầu tư gồm nhiều giai đoạn, nhà đầu tư có thể chuyển số tiền ký quỹ/ bảo lãnh còn lại của giai đoạn trước để bảo đảm thực hiện dự án cho giai đoạn sau. Đây cũng là một quy định rất mới của Luật Đầu tư 2020 so với trước đây.

Một số trường hợp số tiền bảo đảm thực hiện dự án không được hoàn trả cho nhà đầu tư

Số tiền bảo đảm thực hiện dự án chưa được hoàn trả được nộp vào ngân sách nhà nước đối với những dự án: (i) Dự án chậm tiến độ mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép điều chỉnh tiến độ; (ii) Đối với một số dự án bị chấm dứt hoạt đông do quyết định của cơ quan đăng kí đầu tư theo quy định của pháp luật.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan