Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có ưu điểm gì so với giải quyết qua tòa án?

Nội dung bài viết

Câu hỏi:

Thưa Luật sư, trong hợp đồng, điều khoản lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có ưu điểm gì so với giải quyết qua tòa án? Những chi phí nào có thể phát sinh khi lựa chọn trọng tài?

Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có ưu điểm gì so với giải quyết qua tòa án
Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có ưu điểm gì so với giải quyết qua tòa án

Trả lời:

Hiện nay các phương thức giải quyết tranh chấp đang trở nên đa dạng và mang lại nhiều sự lựa chọn hơn khi có tranh chấp xảy ra, và một trong số những phương thức giải quyết tranh chấp đang cho thấy nhiều ưu điểm cũng như nhận được nhiều sự tin tưởng đối với các tranh chấp thương mại đó chính là trọng tài:

Ưu điểm:

Theo nguyên tắc cũng như điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được quy định tại Điều 4 và 5 của Luật Trọng tài thương mại 2010, có thể thấy được rằng:

Nguyên tắc của trọng tài là tôn trọng thỏa thuận giữa các bên, vì vậy các bên có quyền tự do lựa chọn trọng tài viên theo mong muốn của mình. Điều này giúp tạo dựng sự tin tưởng cho các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp.

Quá trình xét xử trọng tài diễn ra kín, do đó các bên không cần lo ngại về việc bị tiết lộ hay công khai các bí mật kinh doanh của mình, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp có nhiều bí mật kinh doanh hay các công nghệ mới đang được nghiên cứu mà không muốn để lộ ra ngoài.

Với vai trò là bên thứ ba độc lập và khách quan, trọng tài viên đảm bảo tính công bằng, giúp các bên yên tâm rằng sẽ không có sự thiên vị hay bất lợi trong quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

Phương thức này được xem là giải pháp giải quyết tranh chấp hiệu quả, vì thế thường được các bên lựa chọn làm phương án cuối cùng khi có mâu thuẫn.

Thủ tục và thời gian giải quyết tranh chấp bằng trọng tài linh hoạt hơn so với tòa án. Trong khi tòa án phải tuân thủ các thủ tục đã được quy định và bắt buộc theo luật pháp, thì với trọng tài, các bên có thể thỏa thuận linh hoạt về các vấn đề này.

Thời gian giải quyết tranh chấp bằng trọng tài cũng nhanh hơn vì chỉ xét xử một lần phán quyết của trọng tài là chung thẩm, trong khi với tòa án, cơ chế kháng cáo có thể làm kéo dài thời gian giải quyết.

Những chi phí có thể phát sinh khi lựa chọn phương thức này:

Phí trọng tài

Theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Trọng tài thương mại 2010 thì phí trọng tài là khoản thu từ việc cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài. Phí trọng tài gồm:

- Thù lao Trọng tài viên, chi phí đi lại và các chi phí khác cho Trọng tài viên;

- Phí tham vấn chuyên gia và các trợ giúp khác theo yêu cầu của Hội đồng trọng tài;

- Phí hành chính;

- Phí chỉ định Trọng tài viên vụ việc của Trung tâm trọng tài theo yêu cầu của các bên tranh chấp;

- Phí sử dụng các dịch vụ tiện ích khác được cung cấp bởi Trung tâm trọng tài.

Ngoài ra còn các chi phí khác như là:

-         Chi phí pháp lý trả cho luật sư, nhân viên pháp chế;

-         Những chi phí hợp lý cho việc đi lại, ăn ở và các chi phí khác phát sinh của các bên;

-         Chi phí thuê chuyên gia, giám định

-         Chi phí hỗ trợ khác liên quan đến hồ sơ, tài liệu (như phí dịch thuật, phiên dịch, tốc ký, in ấn, giao nhận, công chứng, hợp pháp hóa lãnh sự, thừa phát lại);

-         Chi phí đi lại

-         Chi phí khác của những người làm chứng;

-         Bất kỳ phí hoặc chi phí nào của cơ quan chỉ định theo yêu cầu của các bên.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan