Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty TNHH Luật SB Law đã có những giải đáp về việc quản lý các nền tảng OTT, Dưới đây là nội dung chi tiết
Câu 1: Nội dung trên không gian mạng rất đa dạng, không chỉ bao gồm phim mà còn là các sản phẩm ghi hình như tin tức, chương trình truyền hình, gameshow…Thực tế phát sóng hiện nay của các nền tảng OTT Việt Nam và OTT nước ngoài đang theo hướng này. Tuy nhiên, theo Khoản 2 Điều 3 Luật Điện Ảnh 2022 thì Luật Điện Ảnh chỉ quản lý về phim và không quản lý các sản phẩm ghi hình khác.
Như vậy, cùng là nội dung phát trên không gian mạng nhưng lại do 2 cơ quan khác nhau quản lý, được quy định tại 2 văn bản pháp luật khác nhau với 2 cơ chế kiểm duyệt nội dung khác nhau. Điều này gây nên sự mâu thuẫn trong quản lý nhà nước. Cụ thể, với phim thì văn bản điều chỉnh là Luật Điện ảnh 2022 với cách thức quản lý là hậu kiểm, tự phân loại. Trong khi với các sản phẩm ghi hình khác thì được điều chỉnh bởi Nghị Định 06/2016/NĐ – CP, Luật Báo chí, Luật Viễn thông và Luật Tổ chức Chính phủ.
Quan điểm của ông thế nào về cách thức quản lý này? nhiều ý kiến cho rằng cần nhất thể hóa trong quản lý, cần phân công 1 cơ quan cấp Bộ để quản lý đối với nội dung trên không gian mạng, dù là phim hay sản phẩm ghi hình không phải phim. Ý kiến của ông thế nào về vấn đề này?
Trả lời:
* Quan điểm của ông thế nào về cách thức quản lý này
OTT là viết tắt của Over The Top, đây là thuật ngữ dùng để chỉ việc tận dụng không gian rộng lớn internet nhằm cung cấp cho người dùng các nội dung như hình ảnh, âm thanh, tin nhắn, gọi điện.
Trong thời gian vừa qua, đặc biệt là thời kì giãn cách xã hội do dịch COVID-19, truyền hình OTT phát triển cực mạnh do mọi người làm việc tại nhà, nhu cầu, đòi hỏi giải trí tăng cao, nhờ đó, các chương trình giải trí phát triển mạnh mẽ, các đơn vị sản xuất nội dung cũng sáng tạo ra nhiều hình thức mới mẻ để phục vụ thị hiếu khách hàng.
Theo khoản 2 Điều 3 Luật Điện ảnh 2022 (sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2023) thì “Phim không bao gồm sản phẩm ghi hình nhằm mục đích phổ biến tin tức trên dịch vụ phát thanh, truyền hình, không gian mạng; chương trình biểu diễn nghệ thuật, trò chơi điện tử; sản phẩm ghi hình về hoạt động của một hoặc nhiều người, mô tả các sự kiện, tình huống hoặc chương trình thực tế.”
Các bộ phim được phổ biến trên OTT có thể do các đơn vị trong nước và nước ngoài sản xuất, phản ánh văn hoá, đặc trưng của một hoặc một số khu vực do đó để thuận lợi cho công tác quản lý, các bộ phim sẽ do Bộ Văn hoá thể thao và du lịch quản lý, kiểm duyệt.
Các sản phẩm ghi hình khác như gameshow, chương trình truyền hình thực tế bao hàm các thông tin, tin tức bên cạnh mục đích giải trí nên sẽ do Bộ Thông tin Truyền thông quản lý.
Quy định trên đưa ra là hợp lý trong thời đại công nghệ số 4.0 như hiện nay, giúp chuyên môn hóa các lĩnh vực, các bộ ngành sẽ chi tiết cụ thể hơn trong việc quản lý, kiểm định đánh giá nội dung của những sản phẩm thuộc truyền hình OTT
* Nhiều ý kiến cho rằng cần nhất thể hóa trong quản lý, cần phân công 1 cơ quan cấp Bộ để quản lý đối với nội dung trên không gian mạng, dù là phim hay sản phẩm ghi hình không phải phim. Ý kiến của ông thế nào về vấn đề này
Hiện nay, các sản phẩm thuộc truyền hình OTT vô cùng đa dạng đáp ứng thị hiếu của mọi lứa tuổi. Cùng với đó sự phát triển không ngừng của công nghệ 4.0 thì việc quảng bá của nhà sản xuất hay việc tiếp cận của cộng đồng người xem dễ dàng hơn rất nhiều. Chính vì vậy cần có sự kiểm duyệt, đánh giá nghiêm ngặt để quản lý các nội dung trên không gian mạng để các sản phẩm truyền hình OTT thật sự chất lượng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cả về tinh thần và vật chất của người xem, tạo ra môi trường trên không gian mạng được ổn định, bổ ích, lành mạnh.
Nếu như chỉ có 1 cơ quan cấp Bộ quản lý đồng thời cả phim và các sản phẩm ghi hình khác thì có thể gây quá tải, khiến cho việc quản lý, kiểm duyệt không chất lượng, điều này sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Câu 2: Về quản lý hoạt động của doanh nghiệp xuyên biên giới, Nghị định 06 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình chỉ mới đưa ra quy định quản lý đối với doanh nghiệp trong nước cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình có sử dụng tên miền do Việt Nam quản lý, các doanh nghiệp ngoài nước sử dụng tên miền quốc tế cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam như Netflix, iQIYI, WeTV,… lại không được đề cập. Như vậy, hoạt động của các doanh nghiệp này hiện không có luật nào quy định, hoàn toàn bỏ ngỏ, và không có kiểm soát. Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này và theo ông, cần quản lý hoạt động của các doanh nghiệp OTT xuyên biên giới thế nào?
Trả lời:
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền phim nước ngoài dần thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Đặc điểm chung của các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới là cung cấp các nội dung giải trí nước ngoài hết sức đa dạng. Tuy nhiên, về nguy cơ rủi ro đối với nội dung không biên tập theo quy định Việt Nam là rất lớn và có thể tác động lâu dài đến nhận thức của người dân cả nước. Gần đây, một số phim trên dịch vụ như Netflix, Hulu, WeTV có các nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam cũng như các nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc. Để quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ OTT TV của các doanh nghiệp xuyên biên giới tại Việt Nam thì giải pháp căn cơ mà các cơ quan quản lý cần phải triển khai ngay là phải hoàn thiện hành lang pháp lý, sửa đổi chính sách pháp luật.
Việc sửa đổi, bổ sung các Luật điều chỉnh cũng như sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình sẽ góp phần quản lý hiệu quả dịch vụ truyền hình theo yêu cầu trên mạng internet, cũng như tạo điều kiện cho các DN trong nước tham gia thị trường này; đồng thời điều chỉnh được đối tượng là các DN xuyên biên giới.
Câu 3: Hiện nay đang có sự bất bình đẳng căn bản trong quy định của pháp luật và quản lý của cơ quan Nhà nước đối với doanh nghiệp OTT Việt Nam và OTT xuyên biên giới.
Ví dụ như doanh nghiệp OTT trong nước phải được cấp phép trước khi hoạt động, phải có giấy phép nhập khẩu phim, chịu kiểm duyệt (tiền kiểm) về nội dung, bị xử phạt khi có sai phạm… còn với doanh nghiệp OTT nước ngoài, ví dụ như Netflix thì có thể phát trực tiếp vào Việt Nam tất cả các sản phẩm của họ mà không cần giấy phép, không bị kiểm duyệt, chưa từng bị xử phạt dù có những sản phẩm xuyên tạc về chủ quyền, văn hóa và họ cũng không phải đóng thuế… Điều này tạo sự cạnh tranh bất bình đẳng, khiến doanh nghiệp Việt thua ngay trên sân nhà. Ông có bình luận gì về sự bất hợp lý này và theo ông, cần quản lý như thế nào để có sự bình đẳng cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước?
Trả lời:
Hiện nay, theo quy định tại Luật Báo chí, Luật Điện ảnh và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan đến lĩnh vực phát thanh, truyền hình thì các doanh nghiệp OTT trong nước đều phải đăng ký hoạt động. Trong quá trình hoạt động, hầu hết doanh nghiệp OTT trong nước đều tuân thủ quy định, đóng góp vào công cuộc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thuế, phí, trích nộp ngân sách, tạo việc làm cho người lao động. Về nội dung, khi phổ biến phim đến công chúng phải tuân thủ các quy định của Luật Điện ảnh như xin giấy phép phổ biến phim, kiểm duyệt nội dung trước khi phát hành, phổ biến phim, có giấy phép nhập khẩu, … Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới không qua đăng ký cấp phép.
Các đơn vị truyền hình trong nước đưa một video lên OTT cũng phải kiểm duyệt thì không lý do gì các bộ phim của nước ngoài cung cấp vào Việt Nam lại không phải kiểm duyệt, không phải nộp thuế, trong khi có thể có những nội dung xuyên tạc lịch sử, trái với thuần phong mỹ tục tại Việt Nam, đồng thời, việc này cũng tạo nên bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Do đó, thiết nghĩ, cần tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp trong và ngoài nước bằng cách xem xét việc các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT phải thực hiện thủ tục về đăng ký cấp phép hoạt động theo quy định và tất cả nội dung trước khi cung cấp tại Việt Nam phải thông qua khâu biên tập, biên dịch, kiểm duyệt. Nếu chưa tuân thủ quy định về thủ tục, điều kiện cấp phép thì không cho tham gia cung cấp dịch vụ vào thị trường Việt Nam. Theo đó, cần phải sửa luật để có cơ chế có thể kiểm soát được các nền tảng xuyên biên giới, buộc các chủ thể này phải có trách nhiệm và khi xảy ra vi phạm thì bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.