Ngăn ngừa nguy cơ vàng hoá nền kinh tế

Nội dung bài viết

Để đóng góp thêm góc nhìn về quản lý thị trường vàng đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức toạ đàm “Ngăn ngừa nguy cơ vàng hoá nền kinh tế”. Dưới đây là 1 số câu hỏi và câu trả lời của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW trong buổi toạ đàm.

Câu 1: Từ góc độ của người tiêu dùng, Luật sư Nguyễn Thanh Hà có quan điểm thế nào về việc đánh thuế khi giao dịch vàng miếng dưới bất cứ hình thức nào?

Luật sư Hà trả lời:

Thời gian qua tại nhiều điểm bán vàng, xuất hiện các đối tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng, nhằm đầu cơ tích trữ, gây ra thiệt hại cho nền kinh tế, tinh vi hơn nhằm mục đích rửa tiền. Trước tình hình đó, việc đánh thuế có thể được Nhà nước sử dụng như một công cụ để điều tiết hành vi và thu nhập của người tiêu dùng, nhằm tạo sự công bằng giữa các kênh đầu tư, tăng cường nguồn thu ngân sách và ổn định thị trường.

Đứng dưới góc độ của người tiêu dùng, động thái này của Nhà nước có thể phát sinh một số tác động như:

Thứ nhất là Tăng chi phí cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng phải chịu thêm chi phí khi mua vàng vì việc đánh thuế sẽ làm tăng giá thành của vàng miếng, do doanh nghiệp sẽ chuyển phần thuế phải nộp cho người tiêu dùng. Điều này có thể ảnh hưởng đến những người tiêu dùng đang sử dụng vàng miếng để tích trữ hoặc phòng ngừa lạm phát, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.

Thứ hai là Hình thành giao dịch ngầm. Khi mức thuế quá cao, người tiêu dùng có thể tìm cách tránh thuế bằng cách thực hiện các giao dịch ngầm, không khai báo, dẫn đến khó kiểm soát, làm giảm nguồn thu của nhà nước và khó kiểm soát được lượng giao dịch thực tế.

Bên cạnh đó là Giảm tính hấp dẫn của vàng như một kênh đầu tư. Vàng thường được coi là một kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh kinh tế biến động. Nhưng khi Nhà nước đánh thuế có thể làm giảm tính hấp dẫn của vàng, điều này có thể ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của người tiêu dùng.

Do đó, Nhà nước cần cân nhắc mức thuế sao cho hợp lý, đảm bảo tăng nguồn thu ngân sách mà không gây quá nhiều khó khăn cho người tiêu dùng.

Ngăn ngừa nguy cơ vàng hoá nền kinh tế.jpg
Ngăn ngừa nguy cơ vàng hoá nền kinh tế.jpg

Câu 2: Thưa Luật sư Hà, theo quan sát của ông thì các quốc gia trên thế giới đang đánh thuế vàng ra sao?

Luật sư Hà trả lời:

Thị trường vàng trên thế giới có thể nói là đang rất sôi nổi và việc đánh thuế vàng cũng rất đa dạng.

Tại Mỹ, người bán vàng phải trả mức thuế lên đến 28% dưới dạng Capital gains tax, nghĩa là thuế lãi về vốn. Tuy nhiên, cũng có một số bang xóa bỏ loại thuế này nhằm khuyến khích đầu tư vào vàng bạc cũng như củng cố nguyên tắc tiền tệ như Arizona, Texas, Kansas,…[1]

Tương tự như Mỹ, tại Anh, vàng phải chịu mức thuế lãi về vốn giao động từ 10% đến 28% tùy vào đối tượng nộp thuế có thu nhập cao hay thấp, tuy nhiên, mức thuế này chỉ áp dụng khi lợi nhuận của việc bán vàng vượt quá mức miễn thuế hàng năm là £6,000. Ở Anh, những đồng tiền vàng do Royal Mint sản xuất như Sovereigns và Britannia sẽ được miễn thuế lãi về vốn, vì vậy, đây là một trong những lựa chọn đầu tư hấp dẫn đối với những người mua vàng ở Anh[2].

Tại Pháp, chủ sở hữu khi bán phải nộp thuế 11% trên tổng số tiền bán hoặc 36,2% trên mức lãi. Trong trường hợp người có vàng đã sở hữu chỗ vàng được 22 năm trở lên thì sẽ được miễn thuế khi bán nhưng phải cần có hoá đơn khi mua[3].

Tại Trung Quốc, vàng đầu tư  được miễn thuế giá trị gia tăng (VAT), tuy nhiên đối với vàng trang sức hoặc các loại vàng khác không nhằm mục đích đầu tư có thể sẽ phải chịu mức thuế VAT 13%[4].

Tại các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia,… vàng vẫn bị đánh thuế giá trị gia tăng từ 7 – 10% và lợi nhuận từ việc bán vàng vẫn được đánh vào thuế thu nhập cá nhân nếu được coi là thu nhập thường xuyên. Singapore là quốc gia duy nhất miễn thuế hoàn toàn đối với việc mua bán vàng đầu tư, việc này đã biến Singapore trở thành trung tâm mua bán vàng quốc tế lý tưởng.

Câu 3: Thưa Luật sư Hà, ông đánh giá thế nào về tính hiệu quả của các quy định pháp luật hiện hành trong việc ngăn ngừa trốn thuế, rửa tiền khi giao dịch vàng?

Luật sư Hà trả lời:

Hiện nay, các đơn vị kinh doanh cần chấp hành các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 về quản lý kinh doanh thị trường vàng có quy định các cơ sở kinh doanh vàng không được phép thực hiện kinh doanh vàng miếng thông qua các đại lý ủy nhiệm. Các đơn vị cần chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn chứng từ. Đồng thời, doanh nghiệp phải niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch về khối lượng, hàm lượng vàng, giá mua, bán các loại sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 thì mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Ngày 27/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 11/2023/QĐ-TTg quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, từ ngày 01/12/2023, các đối tượng báo cáo nêu trên khi thực hiện các giao dịch có giá trị lớn từ 400.000.000 (bốn trăm triệu) đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước.

Vì vậy, theo các quy định nêu trên, các đơn vị kinh doanh vàng bạc và công ty trung gian thanh toán phải nhận biết khách hàng theo quy định về phòng chống rửa tiền nhằm nhận diện mức độ rủi ro về rửa tiền và nguồn gốc tài sản của khách hàng.

Vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác giám sát, quản lý, điều hành thị trường vàng. Thủ tướng nhấn mạnh, phải có hóa đơn điện tử trong việc thực hiện các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính minh bạch, cải thiện hiệu quả giám sát, điều hành, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch

Luật sư Nguyễn Thanh Hà và các chuyên gia kinh tế trong buổi toạ đàm
Luật sư Nguyễn Thanh Hà và các chuyên gia kinh tế trong buổi toạ đàm

Câu 4: Thưa Luật sư Hà, ông có đề xuất gì về cơ chế quản lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng để đảm bảo thị trường vàng được quản lý minh bạch nhưng không tạo thêm gánh nặng thủ tục cho các doanh nghiệp trên thị trường?

Luật sư Hà trả lời:

Trước hết, trong bối cảnh thị trường hiện nay cần cẩn trọng xem xét, sửa đổi một số nội dung của Nghị định 24/2012/NĐ-CP. Theo đó, vẫn giữ mục tiêu ổn định thị trường vàng nhưng việc quản lý chặt không có nghĩa là hành chính, mà bằng việc đưa ra các tiêu chuẩn minh bạch, cần và đủ để thực hiện cũng như đạt được hiệu quả trong quá trình giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể như vẫn tiếp tục duy trì thị trường vàng có sự quản lý đặc biệt của Nhà nước, nghĩa là, kinh doanh vàng vẫn là ngành kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, cần tăng nguồn cung vàng miếng SJC trên thị trường sẽ góp phần làm giảm cơn sốt giá vàng, tiến tới bỏ độc quyền vàng miếng, để một số lượng doanh nghiệp nhất định được tham gia kinh doanh mặt hàng này dưới các quy định và sự giám sát chặt chẽ của pháp luật. Đồng thời, cần liên thông hợp lý với giá vàng thế giới, không để mất cân đối quan hệ cung - cầu vàng trên thị trường trong nước, không để giới đầu cơ lợi dụng tình hình.

Thứ hai, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần công bố rộng rãi các quy định pháp luật liên quan đến kinh doanh vàng, chúng ta tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cá nhân dễ dàng tiếp cận, hiểu rõ và tuân thủ. Đồng thời, yêu cầu báo cáo tài chính định kỳ và công khai các báo cáo này sẽ tăng cường sự giám sát từ cộng đồng, tạo ra niềm tin cho nhà đầu tư và giúp cơ quan quản lý dễ dàng phát hiện các dấu hiệu bất thường. Bên cạnh đó, việc khuyến khích sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và tạo thuận lợi cho việc theo dõi dòng tiền.

Thứ ba, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vàng theo đúng quy định pháp luật; quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vàng miếng, nhất là các hành vi vi phạm pháp luật, trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá vàng.

Bên cạnh đó, các ngân hàng, các công ty kinh doanh vàng hay các công ty trung gian thanh toán buộc phải chủ động phối hợp với các cơ quan có chức năng tổ chức tập huấn về kỹ năng nhận diện, nhận biết về các hành vi vi phạm; đồng thời phải cải thiện hệ thống lưu giữ chứng từ; xây dựng cơ chế sàng lọc các giao dịch tiền mặt lớn và giao dịch tiền mặt nhiều lần liên tục; xây dựng báo cáo tự động để có thể báo cáo kịp thời những hành động đáng ngờ cho cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, cần nghiên cứu thiết lập thị trường giao dịch vàng tập trung để dễ quản lý và bảo đảm tính minh bạch của thị trường.

[1] https://www.moneymetals.com/news/2024/05/08/us-representative-introduces-bill-to-end-federal-taxation-on-gold-and-silver-003173

https://www.moneymetals.com/news/2024/05/18/signed-into-law-alabama-abolishes-income-taxes-gold-and-silver-003202

[2] https://www.goldavenue.com/en/blog/newsletter-precious-metals-spotlight/is-there-capital-gains-tax-on-gold-in-the-uk

[3] https://www.goldavenue.com/en/blog/newsletter-precious-metals-spotlight/what-you-need-to-know-about-taxes-on-precious-metals

https://www.silvergoldtobuy.com/cours-de-l-or-et-argent-1770-taxes-on-gold

[4] https://www.gold.org/goldhub/gold-focus/2019/04/vat-china

Tham khảo thêm >> Tư vấn thị trường vốn

5/5 (1 Review)

Bài viết liên quan