Câu hỏi: Mình là Minh, ở Hà Nội. Sắp tới mình cùng một đối tác muốn khởi nghiệp với việc thành lập công ty sản xuất phim video. Bên mình sẽ thực hiện quay video với độ dài khoảng vài phút để phục vụ cho các khách hàng có nhu cầu. Video có mục đích quảng cáo, truyền thông, ... Nhưng theo mình được biết thì các doanh nghiệp sản xuất phim cần phải có giấy phép sản xuất phim, với điều kiện cụ thể là vốn pháp định đạt mức 1 tỷ đồng, cũng như 1 số điều kiện khác. Số vốn mà mình và đối tác có hiện tại chưa được 1 tỷ đồng nên không thể đáp ứng điều kiện kinh doanh này. Do đó mình muốn hỏi:
1) Dịch vụ bên mình muốn cung cấp có được tính là ngành nghề sản xuất phim với yêu cầu về giấy phép như trên hay không?
2) Nếu có thì liệu có đăng ký ngành nghề nào phù hợp mà có thể tránh được điều kiện như trên hay không?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Với hoạt động sản xuất phim video của bạn thì theo Quyết định số 337/QĐ-BKH, hoạt động này thuộc mã ngành 5911:
" 5911: Hoạt động sản xuất phim điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình
Nhóm này gồm:
- Việc sản xuất các phim điện ảnh, phim video, các chương trình truyền hình hoặc chương trình quảng cáo trên truyền hình;
- Việc sản xuất các chương trình truyền hình và chương trình quảng cáo không sử dụng phương tiện truyền thanh truyền hình và hoạt động của các thư viện lưu giữ phim khác”.
Vì vây nếu muốn thành lập công ty về lĩnh vực sản xuất video thì bạn phải đáp ứng các điều kiện về vốn tổi thiểu. Điều kiện về vốn được quy định tại điều 11 Nghị định 54/2010/NĐ-CP như sau:
"1. Vốn pháp định là 1.000.000.000 đồng (một tỷ VNĐ), được xác định bằng một trong các văn bản sau:
a) Quyết định giao vốn của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một hoặc hai thành viên mà chủ sở hữu là một tổ chức;
b) Biên bản góp vốn của các cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần hoặc của các thành viên sáng lập đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên;
c) Bản đăng ký vốn đầu tư của chủ sở hữu doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh và đối với công ty trách nhiệm hữu hạn mà chủ sở hữu là cá nhân.
2. Đối với số vốn được góp bằng tiền phải có xác nhận của ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam về số tiền ký quỹ của các thành viên sáng lập. Số tiền ký quỹ phải bằng số vốn góp bằng tiền của các thành viên sáng lập và chỉ được giải tỏa sau khi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
3. Đối với số vốn được góp bằng tài sản thì phải có chứng thư của tổ chức có chức năng định giá đang hoạt động tại Việt Nam về kết quả định giá tài sản được đưa vào góp vốn. Chứng thư phải còn hiệu lực tính đến ngày nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền cấp phép...".
Nếu bạn ghi các ngành nghề khác trong giấy đề nghị đăng ký kinh doanh khác với lĩnh vực hoạt động thực tế của công ty thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại:
"1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh không đúng ngành nghề, mặt hàng, địa điểm kinh doanh ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định.3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động kinh doanh khi đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đình chỉ kinh doanh hoặc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”.