Câu hỏi: Mình là Lam Anh, mình ở Hà Nội. Nay, mình muốn mở quán cafe kết hợp dịch vụ karaoke thì cần phải làm những thủ tục gì?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn. Chúng tôi xin tư vấn như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn chuẩn bị kinh doanh dịch vụ café kết hợp karaoke nên theo luật pháp, bạn phải đáp ứng điều kiện kinh doanh của cả 2 loại hình này.
Theo Điều 30, Điều 32 Nghi định 103/2009/NĐ-CP, Điểm h Khoản 6 Điều 2 Nghị định 01/2012/NĐ-CP, điều kiện kinh doanh Karaoke được quy định cụ thể như sau:
“Điều 30. Điều kiện kinh doanh karaoke
1. Phòng karaoke phải có diện tích sử dụng từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ, đảm bảo điều kiện về cách âm, phòng, chống cháy nổ;
2. Cửa phòng karaoke phải là cửa kính không màu, bên ngoài nhìn thấy toàn bộ phòng;
3. Không được đặt khóa, chốt cửa bên trong hoặc đặt thiết bị báo động để đối phó với hoạt động kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
4. Địa điểm hoạt động karaoke phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa, cơ quan hành chính nhà nước từ 200m trở lên;
5. Phù hợp với quy hoạch về karaoke được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.
Bên cạnh các điều kiện trên, bạn còn phải đảm bảo hoàn thành các trách nhiệm sau:
“Điều 32. Trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh karaoke
Khi hoạt động kinh doanh karaoke, chủ cơ sở kinh doanh phải tuân thủ theo các quy định sau đây:
1. Đảm bảo ánh sáng trong phòng trên 10 Lux tương đương 01 bóng đèn sợi đốt 40W cho 20m2;
2. Đảm bảo âm thanh vang ra ngoài phòng karaoke không vượt quá quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn mức ồn tối đa cho phép;
3. Chỉ được sử dụng bài hát đã được phép phổ biến; băng, đĩa đã dán nhãn kiểm soát theo quy định;
4. Không được bán rượu hoặc để cho khách uống rượu trong phòng karaoke;
5. Đảm bảo các điều kiện về an ninh, trật tự quy định tại Nghị định số 72/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ;
6. Mỗi phòng karaoke chỉ được sử dụng một nhân viên phục vụ từ 18 tuổi trở lên; nếu nhân viên phục vụ là người làm thuê thì phải có hợp đồng lao động và được quản lý theo quy định của pháp luật về hợp đồng lao động;
7. Không được hoạt động sau 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 37 Quy chế này;
8. Các điểm karaoke hoạt động ở vùng dân cư không tập trung không phải thực hiện quy định về âm thanh tại khoản 2 nhưng phài thực hiện quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này”.
Trong trường hợp này, bạn có thể kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh, được quy định tại Điều 68 Nghị định 78/2015/NĐ-CP như sau:
“Điều 68. Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh
1. Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh được cấp cho hộ kinh doanh thành lập và hoạt động theo quy định tại Nghị định này.
2. Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh được cấp trên cơ sở thông tin trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh do người thành lập hộ kinh doanh tự khai và tự chịu trách nhiệm.
3. Các thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh có giá trị pháp lý kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và hộ kinh doanh có quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề phải có điều kiện.
4. Hộ kinh doanh có thể nhận Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trực tiếp tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện hoặc đăng ký và trả phí để nhận qua đường bưu điện.
5. Hộ kinh doanh có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và nộp phí theo quy định”.
Đồng thời, căn cứ vào Điều 71 Nghị định 78/2015/NĐ-CP có quy định về hồ sơ đăng ký kinh doanh như sau:
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh
- Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có);
- Ngành, nghề kinh doanh;
- Số vốn kinh doanh;
- Số lao động;
- Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.
- Bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực ủa các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình.
- Bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.
Sau khi cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện tiếp nhận hồ sơ, họ sẽ trao giấy biên nhận và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong thời gian 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ nếu hồ sơ của bạn đáp ứng đủ yêu cầu:
- Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;
- Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp quy định của pháp luật;
- Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định.
Bên cạnh việc đăng ký kinh doanh, bạn đồng thời cũng phải đăng ký thuế. Điều 23 Luật Quản lý thuế 2006 có quy định về hồ sơ đăng ký thuế như sau:
“1. Hồ sơ đăng ký thuế đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh bao gồm:
a) Tờ khai đăng ký thuế;
b) Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy chứng nhận đầu tư.
2. Hồ sơ đăng ký thuế đối với tổ chức, cá nhân không thuộc diện đăng ký kinh doanh bao gồm:
a) Tờ khai đăng ký thuế;
b) Bản sao quyết định thành lập hoặc quyết định đầu tư đối với tổ chức; bản sao giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu đối với cá nhân …”.