Câu hỏi: Công ty chúng tôi có trụ sở tại Hà Nội, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất mỹ phẩm. Hiện chúng tôi đang muốn mở một văn phòng chi nhánh tại Ấn Độ. Xin quý công ty tư vấn giúp tôi: Tôi phải thực hiện thủ tục gì?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Khoản 1 Điều 46 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định:
“Doanh nghiệp có quyền lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài. Doanh nghiệp có thể đặt một hoặc nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện tại một địa phương theo địa giới hành chính”.
Theo quy định tại Nghị định số 48/1999/NĐ-CP, công ty bạn cần thực hiện các thủ tục sau:
Bước 1: Gửi một bộ hồ sơ đề nghị đăng ký thành lập Chi nhánh ở Ấn Độ cho Sở Thương mại Hà Nội. Bộ hồ sơ gồm:
– Đơn đề nghị được đăng ký thành lập Chi nhánh ở nước ngoài trong đó nêu rõ tên, địa chỉ của công ty, mục đích thành lập, nội dung hoạt động, thời gian dự kiến thành lập, địa điểm dự kiến đặt trụ sở Chi nhánh.
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có chứng nhận của cơ quan công chứng.
– Nếu công ty bạn là doanh nghiệp Nhà nước, ngoài các văn bản trên, công ty còn phải gửi cho Cơ quan đăng ký văn bản chấp thuận của Bộ, cơ quan quản lý ngành ở Trung ương hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ quản.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký có trách nhiệm cấp cho công ty bạn 01 bản chính Giấy chứng nhận đăng ký thành lập Chi nhánh của công ty ở nước ngoài và gửi bản sao cho Sở Tài chính Hà Nội và Bộ Thương mại. Trường hợp đề nghị của công ty không được chấp thuận, Cơ quan đăng ký phải có văn bản thông báo cho biết lý do.
Bước 2: Báo cáo việc thành lập Chi nhánh ở nước ngoài:
– Công ty bạn sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập Chi nhánh ở Ấn Độ phải báo cáo với Cơ quan đăng ký việc đã lập hay chưa lập được Chi nhánh theo Giấy chứng nhận đăng ký thành lập Chi nhánh đã được cấp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập Chi nhánh và phải báo cáo với Cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở Ấn Độ về việc lập Chi nhánh ở Ấn Độ trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày được Ấn Độ cho phép lập Chi nhánh.
– Trường hợp sau 60 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký, công ty chưa lập được Chi nhánh thì phải báo cáo rõ lý do bằng văn bản với Cơ quan đăng ký. Nếu sau 60 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo về lý do chưa thành lập được Chi nhánh công ty vẫn chưa lập được Chi nhánh thì Cơ quan đăng ký phải có quyết định huỷ bỏ và trực tiếp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đã cấp.
Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 48/1999/NĐ-CP quy định:
“Thương nhân có Văn phòng đại diện, Chi nhánh ở nước ngoài phải:
a) Tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận; chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về mọi hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh ở nước ngoài.
b) Không được uỷ nhiệm cho viên chức, nhân viên Cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài thực hiện quyền và nghĩa vụ của Văn phòng đại diện, Chi nhánh dưới bất kỳ hình thức nào.
c) Việc chuyển ngoại tệ ra Văn phòng đại diện, Chi nhánh ở nước ngoài phải tuân theo đúng quy chế quản lý ngoại hối hiện hành.
d) Định kỳ hàng năm báo cáo bằng văn bản với Cơ quan đăng ký về hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh”.
Như vậy, công ty bạn phải thực hiện đúng các tình tự, thủ tục và tuân thủ các quy định trên.