Muốn đưa sản phẩm nhập khẩu bán ra thị trường cần làm gì?

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Mình đang dự định mở công ty nhập khẩu dầu nhớt từ Hàn Quốc. Hiện tại bên mình đang mua sản phẩm với số lượng ít về Việt Nam nhằm thăm dò thị trường. Vậy cho mình hỏi để bán sản phẩm ra thị trường đúng theo quy định của pháp luật thì mình cần phải đăng ký những giấy phép gì cho sản phẩm?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Dựa theo thông tin bạn cung cấp thì bạn đang dự định mở công ty nhập khẩu dầu nhớt từ Hàn Quốc và đang muốn bán sản phẩm dầu nhớt ra thị trường Việt Nam. Trong trường hợp này, để bạn có thể thực hiện được việc bán sản phẩm này ra thị trường thì cần thực hiện các thủ tục sau đây:

Trước hết bạn cần thành lập công ty có ngành nghề kinh doanh xuất nhập khẩu, và kinh doanh mua bán hàng hóa.

Bạn cần thành lập công ty có hoạt động xuất nhập khẩu, để có thể thực hiện được hoạt động nhập khẩu sản phẩm dầu nhớt này từ Hàn Quốc. Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Nghị định 187/2013/NĐ- CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài có quy định: Đối với thương nhân Việt Nam không có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (gọi tắt là thương nhân) thì thương nhân có quyền xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh, trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu theo Nghị định 187/2013/NĐ – CP và các văn bản khác.

Trong đó, hiện nay, Dầu nhớt không phải là một loại hàng hóa bị cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu, và cũng không được xác định là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Đồng thời, hiện nay, theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp thì có năm loại hình doanh nghiệp để bạn có thể lựa chọn như doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, công ty cổ phần. Để có thể nhập khẩu và sau đó bán sản phẩm dầu nhớt từ Hàn Quốc này, bạn cần lựa chọn một loại hình doanh nghiệp phù hợp với tình hình tài chính, khả năng quản lý và cơ cấu mà bạn dự định thành lập.

Về thủ tục thành lập doanh nghiệp được thực hiện phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà bạn lựa chọn, tuy nhiên, theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014, hồ sơ thành lập công ty xuất nhập khẩu nói chung gồm các loại giấy tờ cơ bản sau:

– Giấy đề nghị thành lập công ty xuất nhập khẩu (tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp). Cùng với hoạt động xuất nhập khẩu dầu nhớt thì bạn muốn bán sản phẩm này ra thị trường Việt Nam nên cần đăng ký ngành nghề kinh doanh dầu nhớt.

– Điều lệ công ty

– Danh sách thành viên, hoặc cổ đông của công ty xuất nhập khẩu (theo mẫu và phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà bạn lựa chọn).

– Chứng minh thư hoặc hộ chiếu của các cổ đông hoặc thành viên của công ty.

– Các tài liệu khác nếu pháp luật có yêu cầu.

Thứ hai, công bố tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm dầu nhớt

Công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm là quá trình các doanh nghiệp thực hiện việc xin cấp Giấy chứng nhận chất lượng cho sản phẩm mà doanh nghiệp muốn kinh doanh để sản phẩm đó được phép lưu hành trên thị trường. Hiện nay đây là thủ tục bắt buộc mà các doanh nghiệp cần phải tiến hành, trong đó có cả doanh nghiệp kinh doanh hàng nhập khẩu. Cụ thể, tại Điều 23 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 cũng có quy định:

“Điều 23. Công bố tiêu chuẩn áp dụng

1. Người sản xuất, người nhập khẩu tự công bố các đặc tính cơ bản, thông tin cảnh báo, số hiệu tiêu chuẩn trên hàng hóa hoặc một trong các phương tiện sau đây:

a) Bao bì hàng hóa;

b) Nhãn hàng hóa;

c) Tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hóa.

2. Nội dung của tiêu chuẩn công bố áp dụng không được trái với yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành”.

Công ty bạn cần chuẩn bị hồ sơ gồm:

– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bản sao có chứng thực)

– Phiếu kết quả kiểm nghiệm sản phẩm (về chỉ tiêu hóa lý, chỉ tiêu vi sinh chỉ tiêu kim loại nặng…) tại trung tâm kiểm định đo lường sản phẩm. Bản phân tích thành phần của sản phẩm, hàng hóa của nhà sản xuất hoặc phiếu kiểm nghiệm về chỉ tiêu chất lượng, chỉ tiêu chỉ điểm chất lượng và các chỉ tiêu liên quan của nhà sản xuất, cơ quan kiểm định độc lập của nước sản xuất ra hàng hóa, sản phẩm đó.

– 03 mẫu sản phẩm.

– Nhãn sản phẩm hoặc ảnh chụp nhãn sản phẩm và dự thảo nội dung ghi nhãn phụ (có đóng dấu của thương nhân).

– Phiếu kiểm định chất lượng của nước sở tại (Hàn Quốc).

Công ty bạn phải nộp đơn vào Cục đo lường sản phẩm.

Thứ ba, đăng ký lưu hành cho sản phẩm dầu nhớt.

– Đơn xin đăng ký lưu hành sản phẩm.

– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

– Bản kết quả kiểm nghiệm thành phần và hàm lượng hóa chất, chế phẩm của cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam cấp. Trong trường hợp các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam không kiểm nghiệm được thành phần và hàm lượng thì có thể sử dụng kết quả kiểm nghiệm thành phần và hàm lượng của các nhà sản xuất có uy tín trên thế giới, hoặc của những nước có Hiệp định về chất lượng hàng hóa ở Việt Nam.

– Giấy chứng nhận hoặc tài liệu xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về sản phẩm đã được phép lưu hành hoặc chứng chỉ bán tự do của nước sở tại hoặc của ít nhất là một nước đang cho phép sử dụng.

Tài liệu kỹ thuật về những vấn đề sau: Thành phần, cấu tạo; tác dụng và hướng dẫn sử dụng; tác dụng phụ, cách xử lý; tính ổn định và cách bảo quản; quy trình sản xuất.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan