Liên minh các chủ sở hữu quyền Việt Nam (VAC) được thành lập để tránh tình trạng ăn cắp bản quyền truyền hình

Nội dung bài viết

Các đơn vị sản xuất đã thành lập những liên minh để tự cứu lấy mình, trong khi chờ đợi cơ quan quản lý Nhà nước có giải pháp cứng rắn đối với tình trạng ăn cắp bản quyền truyền hình.

Thị trường truyền hình đã hoạt động và phát triển mạnh mẽ trong khoảng 10 năm trở lại đây. Hiện cả nước có khoảng 32 doanh nghiệp cung cấp truyền hình trả tiền với 5 loại hình dịch vụ gồm: Truyền hình kỹ thuật số mặt đất, truyền hình cáp, truyền hình di động, truyền hình vệ tinh và mới nhất là truyền hình Internet - loại hình đang rất phổ biến và bị ăn cắp bản quyền nhiều nhất. Khoảng 13 triệu thuê bao, 78 kênh truyền hình trả tiền trong nước và 50 kênh truyền hình nước ngoài đang hoạt động là phạm vi khá lớn đối với công tác quản lý của Nhà nước.

Theo các cơ quan quản lý, hoạt động vi phạm bản quyền có hai nhóm đối tượng chính:

Một là các đơn vị, doanh nghiệp đã được cấp phép có hành vi tự động lấy cắp nội dung chương trình không thuộc sở hữu của mình để làm dịch vụ cung cấp video. Câu chuyện các đài truyền hình sử dụng nội dung mà chưa được cá nhân, tổ chức cho phép đã nhiều lần làm xôn xao dư luận.

Đối tượng thứ 2 phức tạp hơn khi hoạt động chủ yếu trên môi trường Internet. Những trang web cung cấp dịch vụ xem phim hoặc các ứng dụng truyền hình không có giấy phép đang ngang nhiên sử dụng nguồn video lấy cắp để thu lợi nhuận. Việc xử lý vi phạm của đối tượng này gặp khó khăn khi có những trang web, ứng dụng đặt máy chủ tại nước ngoài.

Nhiều nhà sản xuất và phát hành bản quyền lo ngại, hành lang pháp lý của Việt Nam vẫn còn chưa chặt chẽ trong việc bảo vệ quyền sở hữu và xử lý các hành vi vi phạm bản quyền. Hiện tại, hệ thống pháp luật đang có 3 cơ chế bảo vệ bản quyền là hành chính, dân sự và hình sự.

  • Với hình thức dân sự, khi phát hiện hành vi vi phạm bản quyền, chủ sở hữu bản quyền có thể khởi kiện đối tượng vi phạm theo quy định, nhưng thường các vụ kiện sẽ kéo dài rất lâu và khi có kết quả thì thiệt hại của chủ sở hữu cũng đã rất lớn.
  • Nếu hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng hơn, chủ sở hữu bản quyền có thể yêu cầu xử lý hình sự và tố tụng các tổ chức vi phạm. Tuy vậy, các cơ quan chức năng thừa nhận chưa từng có vụ việc nào xử lý hình sự, vì hình thức này đòi hỏi bên nguyên đơn (chủ bản quyền) phải chứng minh được quy mô thương mại của việc vi phạm bản quyền.
  • Hình thức kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính như phạt tiền, tịch thu tang vật vẫn là chủ yếu nhưng mức độ quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

Nhận thấy sự cần thiết của việc cần có một tổ chức để lên tiếng cho quyền sở hữu bản quyền, Liên minh các chủ sở hữu quyền Việt Nam, gọi tắt là VAC đã được thành lập. Liên minh là tập hợp các nhà sản xuất và cung cấp nội dung của Việt Nam và quốc tế như đài Truyền hình Việt Nam (VTV), công ty BHD, truyền hình K+, hiệp hội Truyền hình trả tiền châu Á – Thái Bình Dương (CASBAA), hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA), hãng phim 21st Century Fox và ủy ban Bản quyền Hàn Quốc.

Tuy các thành viên chỉ hợp tác cùng nhau trong một số hoạt động như tổ chức hội thảo, trao đổi với ban ngành chính phủ các nước, nhưng trong vòng 18 tháng qua, Liên minh đã thể hiện tiếng nói của mình khá hiệu quả.

 

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan