(SB Law) Để tiến hành xử lý vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, chính phủ đã ban Nghị định số 47/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan (Nghị định số 47/2009/NĐ-CP) và Nghị định số 109/2011/NĐ-CP ngày 02/12/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 47/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan (Nghị định số 109/2009/NĐ-CP).
Qua quá trình thực hiện, 02 Nghị định nêu trên đã bộc lộ nhiều bất cấp, cần có sự bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Một số bất cập có thể được nêu ra tại đây:
- Về vấn đề xác định giá trị hàng hóa.
Theo quy định tại Nghị định số 47/2009/NĐ-CP, đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, việc xác định giá trị hàng hóa theo hướng dẫn tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 119/2010/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 105/2006/NĐ-CP không thể định giá được.
Vì vậy, dự thảo Nghị định đã đưa ra quy định mới về xử phạt với 2 nội dung:Trong trường hợp không xác định được giá trị hàng hóa vi phạm thì phạt tiền từ 10 triệu lên 90 triệu đồng (đối với hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm); Trong trường hợp không xác định được giá trị hàng hóa vi phạm thì phạt tiền từ 20 triệu lên 80 triệu đồng (đối với hành vi xâm phạm quyền sao chép chương trình phát sóng).
- Về thời gian thành lập hội đồng xem xét giá trị hàng hóa.
Theo quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, hành vi vi phạm khi lập biên bản vi phạm hành chính sau 10 ngày phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trường hợp phức tạp là 30 ngày, nhưng nếu để thành lập được Hội đồng xem xét giá trị hàng hóa vi phạm trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan cũng mất thời gian và gặp khó khăn.
Cũng theo thông tin từ trang tin của Bộ văn hóa, thể thao và du lịch, “…thực tiễn từ khi ban hành Nghị định 47/2009/NĐ-CP đến nay, theo tổng hợp của Thanh tra Bộ VHTTDL thì 63 thanh tra Sở VHTTDL chưa xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền đối với các điều mà Nghị định yêu cầu phải xác định giá trị hàng hóa vi phạm. Chính vì thế, cần phải sửa đổi, bổ sung Nghị định 47/2009/NĐ-CP theo 2 hướng: bổ sung quy định xác định giá trị hàng hóa vi phạm và quy định ghi biên bản hồ sơ lưu trữ đối với tài liệu xác định giá trị hàng hóa cho phù hợp; Bổ sung hình thức phạt tiền đối với một số hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong trường hợp không xác định được giá trị hàng hóa vi phạm…”
Xem toàn văn dự thảo Nghị định tại đây.