Doanh nghiệp hỏi: Chúng tôi là công ty 100% vốn nước ngoài, hoạt động trong khu chế xuất và có mong muốn thành lập chi nhánh hoặc công ty con thực hiện chức năng nhập khẩu và phân phối các sản phẩm do công ty sản xuất, vậy chúng tôi có thể thực hiện được không?
Luật sư trả lời: Trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật hiện hành, doanh nghiệp FDI có hai lựa chọn sau đây:
(i) Thành lập chi nhánh của Doanh nghiệp chế xuất nằm ngoài khu chế xuất hoặc doanh nghiệp chế xuất để thực hiện quyền phân phối hàng hóa.
Quan hệ mua bán hàng hóa giữa Doanh nghiệp chế xuất và chi nhánh nằm ngoài doanh nghiệp chế xuất sẽ được thực hiện theo thủ tục xuất nhập khẩu (Điều 21, Nghị định số 29/2008/NĐ-CP của Chính phủ được sửa đổi bổ sung theo Điều 9, Nghị định số 164/2013/NĐ-CP của Chính phủ).
Doanh thu từ hoạt động phân phối, xuất nhập khẩu của chi nhánh phải được hạch toán độc lập hoàn toàn với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chế xuất.
Tuy nhiên, trên thực tế, pháp luật Việt Nam chưa có quy định chính thức về thủ tục thành lập chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất nằm ngoài doanh nghiệp chế xuất hoặc khu chế xuất.
Do vậy, trên thực tế, việc thực hiện thành lập chi nhánh này còn khá nhiều vướng mắc.
(ii) Doanh nghiệp FDI hoặc chủ đầu tư của Doanh nghiệp FDI thành lập công ty phân phối độc lập để thực hiện quyền phân phối.
Cả hai phương án nêu trên đều phải được sự chấp thuận của Bộ công thương, Bộ tài chính, Bộ kế hoạch và đầu tư.
Khả năng thành công của công việc nêu trên phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố sau đây:
(a) Vốn đầu tư dự kiến vào hoạt động phân phối. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, vốn đầu tư nên từ 500,000USD trở lên, do hiện nay, theo luật đầu tư mới, cơ quan cấp phép sẽ thẩm định rất chặt chẽ tính khả thi của dự án.
(b) Tình hình tài chính hiện thời của chủ đầu tư. Theo kinh nghiệm của SBLAW, tốt nhất, doanh nghiệp đã phải hoàn tất cam kết góp vốn đã đăng ký và tình hình kinh doanh có tính khả quan thể hiện trên các con số trong báo cáo tài chính.