Khung pháp lý cho kinh tế số chưa theo kịp tốc độ phát triển

Nội dung bài viết

Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW khẳng định khung pháp lý cho kinh tế số vẫn còn tồn tại những khoảng trống và mâu thuẫn, chưa thực sự theo kịp tốc độ phát triển.

Khung pháp lý không theo kịp sự phát triển

-Theo Luật sư, kinh tế số đã và đang tạo ra yêu cầu pháp lý gì khác biệt so với kinh tế truyền thống?

Kinh tế số, với những đặc trưng nổi bật như tính kết nối toàn cầu, vai trò trung tâm của dữ liệu lớn và mô hình kinh doanh linh hoạt, đang tạo ra nhiều yêu cầu pháp lý khác biệt đáng kể so với nền kinh tế truyền thống. Những khác biệt này đặc biệt rõ rệt trong các lĩnh vực sau:

Thứ nhất về bảo vệ dữ liệu cá nhân: Trong kinh tế truyền thống, dữ liệu cá nhân ít được chú trọng thì trong kinh tế số, dữ liệu cá nhân là tài nguyên cốt lõi. Việc ban hành Nghị định 13/2023/NĐ-CP và gần đây là Luật Công nghiệp Công nghệ số đã bước đầu tạo hành lang pháp lý để bảo vệ quyền riêng tư, song cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế thực thi và bảo đảm quyền của chủ thể dữ liệu trong thực tiễn.

Thứ hai về an ninh mạng: Kinh tế truyền thống ít chịu rủi ro tấn công mạng. Ngược lại, kinh tế số với sự phụ thuộc vào hạ tầng mạng khiến các hệ thống dễ bị tấn công bởi tội phạm mạng. Do đó, cần có các luật an ninh mạng mạnh mẽ, quy định rõ ràng về an toàn thông tin và trách nhiệm pháp lý khi xảy ra sự cố.

Thứ ba về sở hữu trí tuệ: Nếu sở hữu trí tuệ truyền thống chủ yếu liên quan đến tài sản vật chất, thì trong kinh tế số, đối tượng bảo vệ mở rộng sang nội dung số, phần mềm, thuật toán và dữ liệu. Điều này làm phức tạp hóa việc bảo vệ quyền tác giả, bằng sáng chế, và đòi hỏi các quy định pháp luật rõ ràng hơn cùng cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả trong không gian số.

Thứ tư về tính cạnh tranh: Cạnh tranh trong kinh tế truyền thống thường diễn ra nội ngành. Kinh tế số lại xuất hiện các mô hình kinh doanh mới, cạnh tranh mang tính toàn cầu và liên ngành, đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh luật cạnh tranh, chống độc quyền để đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, đặc biệt với các nền tảng trực tuyến lớn.

Thứ năm về giao dịch trực tuyến: Các giao dịch truyền thống dựa vào văn bản giấy tờ và chữ ký tay. Trong kinh tế số, giao dịch thực hiện trên nền tảng trực tuyến thông qua chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử. Do đó, pháp luật cần có quy định về giá trị pháp lý của các hình thức điện tử này, cùng với các phương thức xác thực giao dịch để đảm bảo tính hợp pháp và hiệu lực.

Cuối cùng về thuế: Việc thu thuế trong kinh tế truyền thống dựa trên địa điểm kinh doanh rõ ràng. Kinh tế số làm phức tạp hóa việc xác định nguồn thu và địa điểm phát sinh giao dịch, đặc biệt với thương mại điện tử và các công ty công nghệ toàn cầu. Điều này đòi hỏi các quy định thuế mới để đảm bảo công bằng và minh bạch trong bối cảnh kỹ thuật số.

-Thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý cho kinh tế số. Theo Luật sư, khung pháp lý hiện tại đang gặp những khoảng trống hoặc mâu thuẫn nào lớn nhất khi áp dụng vào các hoạt động trong nền kinh tế số? Khung pháp lý đã theo kịp sự phát triển chưa, thưa luật sư?


Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đưa một số mục tiêu về phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số đến năm 2025 và 2030.

Có thể thấy rằng dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận, trong đó nổi bật là việc đã ban hành Luật Công nghiệp Công nghệ số một dấu mốc quan trọng trong tiến trình hoàn thiện thể chế cho nền kinh tế số thì khung pháp lý hiện nay vẫn còn tồn tại những khoảng trống và mâu thuẫn, chưa thực sự theo kịp tốc độ phát triển vũ bão của thực tiễn.

Các hoạt động trong nền kinh tế số, với đặc thù xuyên biên giới, dựa trên dữ liệu và công nghệ mới, đang tạo ra những thách thức lớn cho hệ thống pháp luật vốn được xây dựng dựa trên các mô hình kinh doanh truyền thống. Dưới đây là những khoảng trống và mâu thuẫn nổi bật nhất:

Đầu tiên, về khoảng trống trong quản lý các mô hình kinh doanh mới:

Kinh tế chia sẻ (Sharing Economy): Các mô hình như Grab, Airbnb ban đầu đã tạo ra một "vùng xám" pháp lý. Các loại hình kinh tế chia sẻ trong các lĩnh vực khác như cho thuê nhà, giao đồ ăn, lao động tự do (freelancer)... vẫn chưa có hành lang pháp lý rõ ràng. Việc xác định bản chất pháp lý của các bên tham gia (ví dụ: Grab là công ty công nghệ hay công ty vận tải? Tài xế là người lao động hay đối tác độc lập?) vẫn còn nhiều tranh cãi, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ về lao động, bảo hiểm, thuế.

Tài sản số và Tiền mã hóa: Mặc dù Luật Công nghiệp Công nghệ số đã bước đầu đề cập đến khái niệm tài sản số, nhưng vẫn chưa có định nghĩa pháp lý đầy đủ, rõ ràng và thống nhất. Điều này dẫn đến tình trạng chưa thể quản lý, chưa thể thu thuế một cách hiệu quả và tiềm ẩn rủi ro cực lớn cho nhà đầu tư khi không có cơ chế bảo vệ. Các hoạt động phát hành, giao dịch, huy động vốn qua các kênh này vẫn nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, dễ bị biến tướng thành các hoạt động lừa đảo, rửa tiền.

Tài chính phi tập trung (DeFi), NFT và Fintech: Sự phát triển của các dịch vụ tài chính dựa trên blockchain, các vật phẩm không thể thay thế (NFT) hay các công ty công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P Lending) cũng đang thách thức các quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước và pháp luật về chứng khoán, ngân hàng. Luật Công nghiệp Công nghệ số hiện mới đưa ra nguyên tắc định hướng, trong khi các cơ chế thực thi và điều chỉnh cụ thể vẫn chưa được hoàn thiện.

Tiếp theo, về mâu thuẫn và chồng chéo trong quản lý dữ liệu cá nhân:

Luật An ninh mạng và Nghị định 13/2023/NĐ-CP về Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Mặc dù việc ban hành Nghị định 13 là một bước tiến lớn và Luật Công nghiệp Công nghệ số cũng đã dành chương riêng quy định về dữ liệu, nhưng việc áp dụng vẫn còn một số điểm chưa đồng bộ và có thể chồng chéo với Luật An ninh mạng. Yêu cầu "lưu trữ dữ liệu" và "đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam" đối với các doanh nghiệp nước ngoài trong Luật An ninh mạng vẫn là một chủ đề gây tranh cãi về tính khả thi, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và có thể tạo ra rào cản thương mại.

Quyền của chủ thể dữ liệu: Luật Công nghiệp Công nghệ số đã khẳng định các quyền cơ bản của công dân đối với dữ liệu cá nhân (quyền được biết, quyền đồng ý, quyền truy cập, quyền xóa dữ liệu...), song trong thực tế còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi dữ liệu được xử lý bởi các thuật toán phức tạp và các tập đoàn công nghệ đa quốc gia.

Về mâu thuẫn giữa quy định về đầu tư, kinh doanh và bản chất của kinh tế số:

Thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh: Nhiều quy định về thủ tục đăng ký kinh doanh, giấy phép con vẫn được thiết kế cho mô hình truyền thống, có thể gây khó khăn và làm chậm quá trình gia nhập thị trường của các startup công nghệ vốn cần sự linh hoạt và tốc độ. Dù Luật Công nghiệp Công nghệ số đã đặt ra nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, nhưng việc triển khai ở cấp nghị định, thông tư vẫn còn chậm và thiếu đồng bộ.

Sở hữu trí tuệ: Luật Công nghiệp Công nghệ số bước đầu đã đề cập đến việc bảo hộ sản phẩm sáng tạo số, bao gồm các sản phẩm được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo (AI), các tác phẩm số (digital art). Tuy nhiên khung pháp lý về sở hữu trí tuệ trên môi trường số vẫn còn thiếu cụ thể, đặc biệt là trong việc xác lập quyền tác giả, quyền sở hữu đối với nội dung số, tác phẩm số, thuật toán và dữ liệu đào tạo AI.

Và vấn đề thứ hai đó là khung pháp lý đã theo kịp sự phát triển chưa? Theo như phân tích của tôi vừa nói trên, tôi cho rằng hiện nay khung pháp lý của chúng ta vẫn chưa theo kịp được sự phát triển. 

Dù đã ban hành Luật Công nghiệp Công nghệ số, một bước tiến mang tính chất nền tảng, nhưng khung pháp lý tổng thể vẫn chưa thực sự theo kịp tốc độ phát triển của kinh tế số. Có thể thấy rõ điều này qua các điểm sau:

Tư duy xây dựng luật pháp: Vẫn còn nặng về tư duy "quản lý" theo hướng hành chính hóa, thiếu linh hoạt và chưa tạo được không gian thử nghiệm chính sách (regulatory sandbox) một cách thực chất. Nếu không có cách tiếp cận cởi mở hơn, việc triển khai Luật Công nghiệp Công nghệ số cũng sẽ gặp nhiều trở lực và khó phát huy hiệu quả như kỳ vọng.

Tốc độ phản ứng chính sách: Mặc dù đã ban hành Luật Công nghiệp Công nghệ số là một bước đi nhanh so với thông lệ trước đây, nhưng quá trình triển khai các văn bản dưới luật, cơ chế hướng dẫn thực hiện vẫn còn chậm trễ. Trong khi đó, công nghệ và mô hình kinh doanh mới có thể thay đổi chỉ trong vài tháng.

Năng lực thực thi: Năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước và đội ngũ thực thi pháp luật trong việc hiểu sâu về công nghệ và các mô hình kinh doanh số cũng là một thách thức. Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên không gian mạng đòi hỏi những công cụ và kỹ năng mới mà không phải lúc nào cũng đáp ứng được.

Tuy nhiên, cần ghi nhận một cách công bằng rằng Chính phủ và các bộ, ngành đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao trong việc hoàn thiện thể chế. Việc đã ban hành Luật Công nghiệp Công nghệ số, bên cạnh Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, Nghị định 13/2023/NĐ-CP... là những minh chứng rõ ràng cho nỗ lực bắt kịp thời đại..

Tóm lại, khung pháp lý cho kinh tế số tại Việt Nam đang trong giai đoạn ‘vừa chạy vừa xếp hàng’ - vừa phải lấp những khoảng trống do thực tiễn để lại, vừa phải định hướng cho tương lai.

Việc đã ban hành Luật Công nghiệp Công nghệ số là bước khởi đầu quan trọng, nhưng để thực sự thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số một cách bền vững, pháp luật cần phải chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa không chỉ bằng văn bản, mà bằng cả tư duy lập pháp mới, cơ chế linh hoạt, và năng lực thực thi hiện đại.

Cần đạo luật riêng về kinh tế số

- Một số quốc gia đã có luật khung về kinh tế số hoặc tích hợp trong các bộ luật khác. Với Việt Nam, theo quan điểm của Luật sư, chúng ta nên lựa chọn hướng đi nào: Xây dựng luật riêng hay điều chỉnh bằng các luật chuyên ngành?

Dưới góc độ pháp lý, việc lựa chọn mô hình xây dựng khung pháp luật cho kinh tế số là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Xét về lý luận và thực tiễn quốc tế, hai cách tiếp cận phổ biến hiện nay là: xây dựng một đạo luật riêng về kinh tế số hoặc điều chỉnh thông qua việc lồng ghép vào các luật chuyên ngành hiện hành. Mỗi phương án đều có những ưu, nhược điểm nhất định, đòi hỏi phải cân nhắc kỹ lưỡng cả về khía cạnh pháp lý, quản trị nhà nước lẫn khả năng thực thi.

Phương án thứ nhất, xây dựng một đạo luật khung riêng về kinh tế số là hướng đi được nhiều quốc gia tiên tiến lựa chọn như Singapore, Hàn Quốc hoặc theo mô hình Liên minh châu Âu với các bộ quy tắc chung cho thị trường số. Ưu điểm nổi bật của phương án này là đảm bảo tính hệ thống, thống nhất và điều chỉnh toàn diện các quan hệ pháp luật mới phát sinh trong môi trường số. Mặc dù Việt Nam đã ban hành Luật Công nghiệp Công nghệ số, tuy nhiên, đây chủ yếu là đạo luật định hướng, đặt nền tảng pháp lý cho việc quản lý, phát triển và ứng dụng công nghệ số. Luật vẫn chưa đi sâu vào điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực kinh tế số vốn mang tính đa ngành, xuyên biên giới và không ngừng biến đổi. Chính vì vậy, một đạo luật khung về kinh tế số vẫn là cần thiết, nhằm xác định rõ phạm vi điều chỉnh, khái niệm pháp lý về kinh tế số, nguyên tắc quản lý nhà nước đối với các nền tảng số, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, cũng như các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp trong môi trường số.

Ở chiều ngược lại, phương án thứ hai lồng ghép các quy định về kinh tế số vào các luật chuyên ngành hiện hành như Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Cạnh tranh, Luật Thuế... sẽ có ưu điểm về tốc độ điều chỉnh, giúp nhanh chóng giải quyết các vấn đề pháp lý cấp bách phát sinh trong thực tiễn. Tuy nhiên, cách tiếp cận này tiềm ẩn nguy cơ phân mảnh pháp luật, thiếu tính đồng bộ và dễ dẫn đến xung đột hoặc chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là trong các vấn đề mang tính xuyên ngành như xử lý dữ liệu xuyên biên giới, thuế số hay quy định về quyền dữ liệu cá nhân.

Trên cơ sở đánh giá toàn diện, Việt Nam nên cân nhắc áp dụng mô hình tiếp cận theo lộ trình hai giai đoạn. Trước mắt, trong ngắn hạn, cần tập trung sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành để khẩn trương lấp đầy các khoảng trống pháp lý đang gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp số và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số. Song song với đó, Việt Nam cần tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng, tổ chức tổng kết thực tiễn, tham khảo sâu rộng các mô hình quốc tế, để làm cơ sở cho việc xây dựng một đạo luật khung riêng về kinh tế số trong trung hạn đến dài hạn. Đạo luật này cần đảm bảo nguyên tắc pháp quyền, phù hợp với thông lệ quốc tế, có tính ổn định nhưng đủ linh hoạt để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Với lộ trình như vậy, Việt Nam vừa có thể đáp ứng yêu cầu quản lý tức thời, vừa xây dựng nền tảng pháp lý lâu dài, bền vững và hội nhập quốc tế, qua đó tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển của nền kinh tế số trong những năm tới.

- Luật sư có kiến nghị như thế nào để hoàn thiện khung pháp lý tại Việt Nam?

Để hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển kinh tế số tại Việt Nam, cần có một số kiến nghị cụ thể sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và sớm ban hành một đạo luật riêng hoặc một văn bản pháp luật có tính hệ thống về kinh tế số. Luật Công nghiệp Công nghệ số đã đặt nền móng cho quản lý, phát triển và ứng dụng công nghệ số, tuy nhiên chưa đi sâu điều chỉnh các quan hệ pháp lý đặc thù của kinh tế số vốn mang tính đa ngành và xuyên biên giới. Do đó, cần có một văn bản pháp luật riêng về kinh tế số để làm rõ định nghĩa, phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc quản lý, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia, cũng như cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý. Việc này không chỉ giúp khắc phục khoảng trống, hạn chế chồng chéo pháp lý, mà còn tạo ra một hành lang pháp lý rõ ràng, ổn định và thống nhất cho sự phát triển của nền kinh tế số.

Thứ hai, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về giao dịch điện tử, hợp đồng điện tử và các phương thức xác thực số. Trong đó, cần có quy định cụ thể và nhất quán hơn về giá trị pháp lý của dữ liệu số, chữ ký số, hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử, cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp trong các giao dịch số. Đây là nền tảng quan trọng để đảm bảo tính an toàn, tin cậy và hiệu lực pháp lý cho các hoạt động thương mại điện tử, tài chính số, dịch vụ công trực tuyến và các giao dịch xuyên biên giới trong môi trường số.

Thứ ba, cần sớm ban hành khung pháp lý về thuế trong nền kinh tế số, đặc biệt là thuế đối với các dịch vụ số xuyên biên giới, thuế nhà thầu và nghĩa vụ kê khai, nộp thuế đối với các nền tảng số quốc tế có phát sinh thu nhập tại Việt Nam. Điều này không chỉ đảm bảo công bằng trong môi trường kinh doanh mà còn tăng nguồn thu ngân sách cho Nhà nước.

Thứ tư, cần có các quy định chặt chẽ hơn về bảo vệ dữ liệu cá nhân và an toàn thông tin mạng. Với đặc thù của kinh tế số là việc khai thác, xử lý và lưu trữ dữ liệu lớn, việc hoàn thiện khung pháp lý về quyền riêng tư, an ninh mạng và bảo mật dữ liệu là rất cấp thiết, nhằm bảo vệ quyền lợi của người dùng và tăng cường niềm tin của xã hội đối với các hoạt động số.

Cuối cùng, cần có cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước... Đồng thời, nên tăng cường tham vấn ý kiến từ doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, chuyên gia pháp lý và các tổ chức quốc tế trong quá trình xây dựng chính sách, để khung pháp lý khi ban hành có tính thực tiễn, khả thi và phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc hoàn thiện khung pháp lý một cách đồng bộ, minh bạch và tiên tiến sẽ là nền tảng quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế số tại Việt Nam trong thời gian tới.

-Trân trọng cảm ơn ông!

Tham khảo thêm tại : Dịch vụ Luật sư tư vấn luật công nghệ thông tin và truyền thông

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan