Câu hỏi: Tôi và một người bạn thân của tôi đang có ý định thành lập công ty Cổ phần, còn về phần góp vốn thành lập công ty chúng tôi đã huy động được đầy đủ và có thể tiến hành việc kinh doanh của mình ngay, nhưng tôi đang băn khoăn không biết rằng pháp luật Việt Nam có cho phép 2 chúng tôi sáng lập ra công ty không?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định:
“Cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần.
Cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần”.
Bên cạnh đó, tại Khoản 1 Điều 119 Luật Doanh nghiệp năm 2014cũng quy định:
“1. Công ty cổ phần mới thành lập phải có ít nhất 03 cổ đông sáng lập; công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước hoặc từ công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc được chia, tách, hợp nhất, sáp nhập từ công ty cổ phần khác không nhất thiết phải có cổ đông sáng lập.
Trường hợp không có cổ đông sáng lập, Điều lệ công ty cổ phần trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc các cổ đông phổ thông của công ty đó”.
Theo như thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi: rằng bạn và người bạn thân của bạn đang có ý định thành lập công ty Cổ phần, do thông tin chưa đầy đủ nên chúng tôi chia theo hai trường hợp như sau:
- Thứ nhất: Nếu như doanh nghiệp của bạn và người bạn thân của bạn là mới thành lập công ty thì bắt buộc công ty của bạn phải có thêm 1 cổ đông sáng lập nữa, cùng bạn và người bạn thân của bạn tiến hành thành lập công ty Cổ phần, thì lúc này bạn mới có thể tiến hành việc thành lập doanh nghiệp của mình.
- Thứ hai: Nếu như công ty cổ phần trước đó của bạn mà chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước hoặc từ công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc được chia, tách, hợp nhất, sáp nhập từ công ty cổ phần khác thì không nhất thiết phải có cổ đông sáng lập, nghĩa là trong trường hợp này bạn và bạn thân của bạn hoàn toàn có thể tiến hành việc thành việc thành lập công ty Cổ phần của bạn mà không nhất thiết phải bắt buộc phải là 3 cổ đông sáng lập.