Giới thiệu Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)

Nội dung bài viết

Vào ngày 18/06/2020 vừa qua, Quốc hội đã chính thức biểu quyết thông qua Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Mặc dù hình thức này đã được thực hiện trong một thời gian dài trước đó, tuy nhiên việc ban hành riêng một bộ luật điều chỉnh được dự đoán sẽ tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP.

Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Public Private Partnership - sau đây gọi là đầu tư theo phương thức PPP) là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công mà Nhà nước có trách nhiệm cung cấp.

Với sự phát triển nhanh chóng như hiện nay, yêu cầu tăng cường đầu tư theo hình thức đối tác công tư để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ công của Việt Nam là rất cấp thiết, đồng thời có 3 yêu cầu chính được đặt ra cho luật này: Thứ nhất là chống thất thoát, chống lợi dụng, đảm bảo lợi ích của Nhà nước; Thứ hai là minh bạch, hiệu quả, đảm bảo tính cạnh tranh, an toàn và hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư; Thứ ba là tiếp cận với các thông lệ tốt của quốc tế.

Với những quy định mới như hiện nay, Luật PPP đã có những nội dung thay đổi đáng chú ý như sau:

  1. Thứ nhất, về lĩnh vực đầu tư:

Luật PPP đã rút gọn các lĩnh vực để tập trung đầu tư 5 lĩnh vực thiết yếu liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi), cung cấp dịch vụ thiết yếu (điện, nước, xử lý môi trường), bảo đảm an sinh xã hội (y tế, giáo dục - đào tạo), phù hợp với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 (hạ tầng công nghệ thông tin), nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Đây là những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, quan tâm đến các dự án lớn có tính liên kết vùng miền, tính lan toả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.

Đối với quy định về “nhà máy điện”, nhà nước khuyến khích chính sách phát triển xây dựng nhà máy nhiệt điện để phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, tuy nhiên ngoại trừ “nhà máy thủy điện” do vấn đề ảnh hưởng tác động đến tài nguyên, mức độ an toàn đối với đời sống của người dân. Bên cạnh đó, “cung cấp nước sạch” cũng là một lĩnh vực được điều chỉnh bởi Luật này, nhằm cho phép nhà nước quản lý chặt chẽ về công suất, chất lượng nước sạch và dịch vụ cung cấp thông qua cơ chế hợp đồng, hạn chế các tồn tại về cấp nước sạch do tư nhân đầu tư trong thời gian qua.

  1. Thứ hai, về quy mô đầu tư:

Nhằm tập trung nguồn lực, tránh dàn trải, Luật PPP quy định thực hiện đầu tư PPP đối với dự án có TMĐT từ 200 tỷ đồng, trừ dự án ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn hoặc trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo (từ 100 tỷ đồng). Quy định này nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở những nơi khó khăn, có ý nghĩa lớn về mặt xã hội và giúp nhiều đối tượng được thụ hưởng trong khi nguồn lực đầu tư công còn hạn hẹp, không đáp ứng được nhu cầu. Riêng đối với loại dự án PPP áp dụng loại hợp đồng kinh doanh - quản lý, thì không khống chế tổng mức đầu tư tối thiểu do loại dự án này không có cấu phần xây dựng.

  1. Thứ ba, về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư:

Đối với việc phân loại dự án PPP, Luật quy định việc phân loại dự án gắn với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư (Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh). 3 cấp Hội đồng thẩm định (nhà nước, liên ngành và cơ sở) dự án PPP tương ứng 3 cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP để đảm bảo tính chặt chẽ, hiệu quả và khả thi trước khi dự án PPP đưa ra thị trường, thu hút đầu tư.

  1. Thứ tư, về cơ chế chia sẻ rủi ro:

Với bản chất dài hạn, thời điểm hoàn vốn của dự án PPP có thể lên đến hàng chục năm kể từ thời điểm ký kết hợp đồng dự án. Trên thực tế, dự án PPP chỉ được xác định thua lỗ, mất vốn khi không đạt điểm hoàn vốn (bắt đầu có lãi) theo phương án tài chính. Hơn nữa, có nhiều yếu tố tác động trong thời gian thực hiện và đưa vào khai thác, sử dung dự án (ví dụ: thay đổi tỷ giá, lãi suất vay ... ) sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp dự án PPP cố tình tăng cao các chi phí quản lý để tránh lãi phát sinh lớn hoặc nếu lỗ sẽ lỗ nhiều hơn. Do vậy Luật PPP quy định cơ chế chia sẻ tăng (doanh thu tăng trên 125%), giảm (doanh thu giảm dưới 75%) doanh thu để giảm thiểu rủi ro cho dự án PPP, đặc biệt các rủi ro do những thay đổi từ phía Nhà nước.

  1. Thứ năm, về kiểm toán Nhà nước đối với dự án PPP:

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong bản dự thảo này. Theo đó, để phù hợp với Hiến pháp và pháp luật về kiểm toán Nhà nước chỉ quy định kiểm toán tài chính công, tài sản công, Luật PPP quy định Kiểm toán nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán dự án PPP đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tham gia vào dự án PPP; ngân sách nhà nước dùng để chia sẻ phần giảm doanh thu; và giá trị tài sản khi được chuyển giao cho Nhà nước. Bên cạnh đó, Luật cũng xác định vai trò của kiểm toán độc lập trong dự án PPP, cụ thể: cơ quan ký kết hợp đồng thỏa thuận với doanh nghiệp dự án PPP tại hợp đồng việc lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập, có năng lực và kinh nghiệm để thực hiện việc kiểm toán vốn đầu tư xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng.

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP ra đời nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, ổn định lâu dài trong thời hạn hợp đồng dự án PPP. Để tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư khi tham gia cùng Nhà nước đầu tư vào các dự án này, Luật PPP sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021.

 

 

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan