Dự thảo Nghị định hướng dẫn về quyền tác giả, quyền liên quan

Nội dung bài viết

Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTT&DL) vừa tổ chức hội nghị góp ý về dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả và quyền liên quan.

Dự thảo Nghị định gồm 8 chương và 63 điều. Trong đó, chương V về tổ chức đại diện tập thể, tổ chức tư vấn dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan là chương có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành như:

Liên quan đến quy định về tác giả, Dự thảo Nghị định bổ sung “đồng tác giả”, đồng thời làm rõ tác giả, đồng tác giả, người hỗ trợ, góp ý, cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo không được công nhận là tác giả.

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành, trong phần quy định về tổ chức đại diện tập thể, tổ chức tư vấn dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan, dự thảo Nghị định bổ sung điều khoản quy định về “Biểu mức tiền quyền tác giả, quyền liên quan”. Theo đó, các tổ chức đại diện tập thể có nghĩa vụ xây dựng Biểu mức tiền quyền tác giả, quyền liên quan, đàm phán với bên khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.

Trường hợp không thỏa thuận được, các bên áp dụng theo Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác, Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14/3/2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản và văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có) cho đến khi hai bên thỏa thuận được.

Tại điều khoản quy định về việc “Thu, phân chia tiền quyền tác giả, quyền liên quan” được bổ sung vào Dự thảo Nghị định lần này, quy định: “Trường hợp tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan chưa ủy quyền cho tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thu và phân chia tiền quyền tác giả, quyền liên quan đối với việc khai thác, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng theo quy định tại khoản 1 Điều 26 và các khoản 1, 2 Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ;

Trường hợp tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan không phân chia được tiền quyền tác giả, quyền liên quan vì lý do khách quan”.

Dự thảo cũng bổ sung điều khoản quy định về việc “Khai thác, sử dụng bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ”: “Các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thỏa thuận, thống nhất, ủy quyền đàm phán cấp phép, thu tiền quyền tác giả, quyền liên quan. Tỷ lệ phân chia tiền quyền tác giả, quyền liên quan thu được do các tổ chức này tự thỏa thuận”.

Bên cạnh đó, những ý kiến đóng góp cho nhiều vấn đề đang tồn tại như: căn cứ pháp lý để trả tiền quyền tác giả, quyền liên quan từ nguồn ngân sách nhà nước. Quy định chi tiết trách nhiệm của bên sử dụng tác phẩm và bên thu phí bản quyền trong đàm phán, thương lượng để đưa ra mức giá thu tiền tác quyền. Minh bạch hoá thông tin về việc thu tiền bản quyền ở các cơ sở kinh doanh thương mại như quán karaoke, nhà hàng, khách sạn, …

0/5 (0 Reviews)
Công ty luật SBLAW

Công ty luật SBLAW

Công ty luật SBLAW là 1 trong những hãng luật uy tín hàng đầu Việt Nam hiện nay. Chúng tôi có trên 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực luật sư và tư vấn pháp luật. SBLAW tự hào có một đội ngũ Luật sư giỏi, có trình độ chuyên môn cao, uy tín, chuyên nghiệp và có nhiều kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực luật sư và tư vấn pháp luật.

Hồ sơ năng lực

Bài viết liên quan