Ngày 07/7/2025, bài báo với tiêu đề "Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tuyên truyền, giải đáp pháp luật cho người Việt Nam tại Hàn Quốc" đăng trên Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam đã trích dẫn phát biểu của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law tại chương trình tuyên truyền, giải đáp pháp luật cho người Việt Nam tại Hàn Quốc.
Ngày 06/7/2025, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, Hiệp hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc và đội ngũ luật sư Hàn Quốc tổ chức chương trình tuyên truyền, giải đáp pháp luật cho người Việt Nam tại Hàn Quốc.
Theo kế hoạch, từ ngày 03/7/2025 đến ngày 09/7/2025, Đoàn công tác Đoàn Luật sư TP. Hà Nội do Luật sư Huỳnh Phương Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội làm Trưởng đoàn có chuyến thăm và làm việc với với Hiệp hội Luật sư Hàn Quốc, Hiệp hội Luật sư Trung tâm Gyeonggi, Hiệp hội Luật sư Busan.

Một trong những nội dung đáng chú ý trong khuôn khổ chuyến công tác là việc tổ chức Chương trình tuyên truyền, giải đáp pháp luật cho người Việt Nam tại Hàn Quốc.
Theo đó, ngày 06/7, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, Hiệp hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc và đội ngũ luật sư Hàn Quốc tổ chức chương trình tuyên truyền, giải đáp pháp luật cho người Việt Nam tại Hàn Quốc.
Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, đồng thời kết nối trực tuyến với điểm cầu Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.
Đây là hoạt động thiết thực và có ý nghĩa để cung cấp các thông tin về quy định pháp luật Việt Nam và luật pháp nước sở tại, đồng thời hỗ trợ kịp thời cho công dân, doanh nghiệp và người lao động Việt Nam gặp khó khăn, vướng mắc trong thời gian sinh sống làm việc tại Hàn Quốc.
Tại chương trình, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law đã trình bày tham luận: "Pháp luật đầu tư tại Việt Nam: Những vấn đề pháp lý quan trọng dành cho nhà đầu tư".

Theo đó, Luật sư Hà đã đưa ra một số lưu ý và khuyến nghị quan trọng trong việc tiến hành thẩm định kỹ lưỡng để xác định các rủi ro tiềm ẩn, nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định về đất đai, lao động, thuế, và quản lý ngoại hối.
Cụ thể, vấn đề về sử dụng đất, Luật sư Hà cho biết, Luật Đất đai của Việt Nam quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Nhà nước công nhận doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là người sử dụng đất thông qua nhiều hình thức khác nhau, bao gồm: Được nhà nước cho thuê đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp hoặc khu công nghệ cao, được Nhà nước giao đất để thực hiện dự án xây dựng nhà ở.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có quyền thế chấp, cho thuê, góp vốn bằng đất, thông thường có thời hạn không quá 50 năm, trong trường hợp đặc biệt có thể kéo dài nhưng không quá 70 năm.
Vấn đề về thuế, các sắc thuế cơ bản bao gồm:
- Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), với mức thuế suất phổ thông là 20% trên lợi nhuận chịu thuế.
- Thuế giá trị gia tăng (VAT), với mức thuế suất phổ thông là 10%, và có thể được điều chỉnh tùy từng thời kỳ.
- Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), doanh nghiệp khấu trừ thuế TNCN từ lương của nhân viên theo biểu thuế lũy tiến từng phần (từ 5% đến 35%).
Ngoài ra, tùy vào ngành nghề, doanh nghiệp có thể phải đóng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu, thuế tài nguyên,...
Vấn đề về quản lý ngoại hối, nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề quan trọng về quản lý ngoại hối khi thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam, bao gồm:
- Quy định về tài khoản đầu tư: Nhà đầu tư nước ngoài phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp tùy theo hình thức đầu tư tại Việt Nam.
- Chuyển vốn đầu tư và lợi nhuận: Nhà đầu tư nước ngoài được phép chuyển vốn đầu tư, lợi nhuận và các khoản thu hợp pháp ra nước ngoài bằng ngoại tệ thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp.
Bên cạnh đó, các luật sư của Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cũng giải đáp các câu hỏi liên quan đến pháp luật Việt Nam và thủ tục lãnh sự tại cơ quan đại diện.
Theo đó, trả lời nội dung liên quan đến việc "nếu công dân xin quốc tịch Hàn Quốc thì sẽ vẫn được giữ quốc tịch Việt Nam?". Luật sư của Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, Luật Quốc tịch 2008 (bao gồm sửa đổi, bổ sung) quy định:
“Điều 27. Căn cứ thôi quốc tịch Việt Nam:
1. Công dân Việt Nam có đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài thì có thể được thôi quốc tịch Việt Nam”.
“Điều 31. Căn cứ tước quốc tịch Việt Nam:
1. Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Như vậy, nếu không có các hành vi vi phạm dẫn tới bị tước quốc tịch Việt Nam, khi xin quốc tịch Hàn Quốc, nếu theo pháp luật, chính sách, yêu cầu của Hàn Quốc buộc phải thôi quốc tịch Việt Nam thì công dân có thể làm đơn để xin thôi quốc tịch Việt Nam. Trường hợp ngược lại, nếu Hàn Quốc không bắt buộc phải thôi quốc tịch Việt Nam thì công dân vẫn được giữ quốc tịch Việt Nam. Luật Quốc tịch Việt Nam không có quy định bắt buộc phải thôi quốc tịch Việt Nam khi công dân xin một quốc tịch khác.
Giải đáp nội dung về việc du học sinh đi làm tại Hàn Quốc khi gửi tiền về nhà thì có phải đóng thuế hay không, luật sư của Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, tại Hàn Quốc, du học sinh tại Hàn nếu đi làm hợp pháp (theo visa D-2, D-4, có đăng ký part-time) thì việc đóng thuế tại Hàn Quốc theo quy định pháp luật của Hàn Quốc.
Tại Việt Nam, theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân, khoản 8 Điều 4 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP (bao gồm các sửa đổi, bổ sung) thì khoản tiền kiều hối được miễn thuế.
Khoản 2 Điều 12 Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 30/7/2015 sửa đổi Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 hướng dẫn Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP quy định:
“2. Sửa đổi, bổ sung điểm h khoản 1 Điều 3:
“h) Thu nhập từ kiều hối được miễn thuế là khoản tiền cá nhân nhận được từ nước ngoài do thân nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người Việt Nam đi lao động, công tác, học tập tại nước ngoài gửi tiền về cho thân nhân ở trong nước;
Trường hợp cá nhân nhận được tiền từ nước ngoài do thân nhân là người nước ngoài gửi về đáp ứng điều kiện về khuyến khích chuyển tiền về nước theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì cũng được miễn thuế theo quy định tại điểm này.
Căn cứ xác định thu nhập được miễn thuế tại điểm này là các giấy tờ chứng minh nguồn tiền nhận từ nước ngoài và chứng từ chi tiền của tổ chức trả hộ (nếu có)”.
Như vậy, khoản tiền kiều hối của du học sinh học tập tại Hàn Quốc gửi về cho nhân thân ở trong nước được miễn thuế. Tuy nhiên, cần lưu ý cung cấp các giấy tờ chứng minh nguồn tiền nhận từ Hàn Quốc để xác định việc được miễn thuế.
Chi tiết bài viết: https://lsvn.vn/doan-luat-su-tp-ha-noi-tuyen-truyen-giai-dap-phap-luat-cho-nguoi-viet-nam-tai-han-quoc-a160087.html