Câu hỏi: Mình ở Hà Nội, mình đang làm việc tại một tổ chức tín dụng. Cho mình hỏi: Điều kiện để tổ chức tín dụng được phép thực hiện hoạt động ngoại hối là gì?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Căn cứ khoản 1 điều 4 Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2013 hợp nhất Pháp lệnh Ngoại hối thì ngoại hối bao gồm:
‘a) Đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực (sau đây gọi là ngoại tệ);
b) Phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ, gồm séc, thẻ thanh toán, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ và các phương tiện thanh toán khác;
c) Các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác;
d) Vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước, trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú; vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng trong trường hợp mang vào và mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;
đ) Đồng tiền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp chuyển vào và chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc được sử dụng trong thanh toán quốc tế”.
Theo quy định tại Thông tư số 21/2014/TT-NHNN thì Ngân hàng thương mại, công ty tài chính tổng hợp, công ty tài chính bao thanh toán, công ty tài chính tín dụng tiêu dùng, công ty cho thuê tài chính, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện các hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế.
Điều kiện để tổ chức tín dụng được thực hiện hoạt động ngoại hối trên thị trường trong nước được quy định tại Điều 8 Thông tư số 21/2014/TT-NHNN và được sửa đổi bổ sung tại Điều 8 Thông tư 28/2016/TT-NHNN như sau:
- Có phương án kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường trong nước.
- Có hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về quản trị điều hành, quản lý rủi ro, an toàn, bảo mật đối với hoạt động ngoại hối như: Hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ cho hoạt động ngoại hối, các thiết bị lưu trữ thông tin, dữ liệu; phương án dự phòng thảm họa; các phần mềm hỗ trợ việc thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến ngoại hối.
- Cán bộ quản lý từ cấp Phòng (hoặc tương đương) trở lên và cán bộ nghiệp vụ có trình độ tối thiểu tốt nghiệp Đại học chuyên ngành kinh tế, ngân hàng, tài chính; hoặc có bằng đại học ngoài các ngành nêu trên nhưng phải có ít nhất 03 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; có khả năng tiếng Anh đạt trình độ C (hoặc tương đương) trở lên.
- Có quy định nội bộ về quản lý rủi ro liên quan đến các hoạt động ngoại hối đề nghị thực hiện.
- Tuân thủ các quy định của pháp luật về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng trong năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị cấp phép và đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp phép.
Tùy theo phạm vi hoạt động, các ngân hàng phải đáp ứng thêm các điều kiện cụ thể khác do Ngân hàng Nhà nước quy định.
Trong trường hợp tổ chức tín dụng muốn hoạt động ngoại hối ở thị trường nước ngoài thì bên cạnh việc phải đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên thì còn phải đủ các điều kiện sau:
- Có quy định nội bộ về tiêu chuẩn lựa chọn tổ chức đối tác và xác định hạn mức giao dịch đối với đối tác nước ngoài; trong đó đối tác nước ngoài mà tổ chức tín dụng được phép có giao dịch tiền gửi (không phải tiền gửi thanh toán) phải là các tổ chức tài chính nước ngoài có hệ số xếp hạng tín nhiệm từ mức Baa3/P-3 theo đánh giá xếp hạng của Moody’s Investor Service trở lên hoặc từ mức BBB-/A-3 theo đánh giá xếp hạng của Standard & Poor’s trở lên hoặc từ mức BBB-/F3 theo đánh giá xếp hạng của Fitch Ratings trở lên.
- Tổng số dư tiền gửi của ngân hàng thương mại tại tất cả các chi nhánh, công ty con của ngân hàng thương mại đó ở nước ngoài không vượt quá 10% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại đó.