Theo quy định của pháp luật hiện hành, đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp là tiêu chí quan trọng để đánh giá tính mới, tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp thông qua việc so sánh, đối chiếu kiểu dáng công nghiệp đó với các kiểu dáng công nghiệp đã tồn tại trước đó.
Theo đó, đặc điểm tạo dáng công nghiệp là yếu tố thể hiện dưới dạng đường nét, hình khối, màu sắc, tương quan vị trí hoặc tương quan kích thước để khi kết hợp với các đặc điểm (dấu hiệu) khác tạo thành một tập hợp cần và đủ để tạo thành kiểu dáng công nghiệp đó.
Đặc điểm tạo dáng cơ bản là đặc điểm tạo dáng dễ dàng nhận biết/ ghi nhớ, cần và đủ để xác định kiểu dáng công nghiệp và phân biệt kiểu dáng công nghiệp với kiểu dáng công nghiệp khác dùng cho sản phẩm cùng loại.
Đặc điểm tạo dáng không đáp ứng điều kiện trên gọi là đặc điểm tạo dáng không cơ bản
Ngoài ra, theo quy định của Luật SHTT hiện hành, những yếu tố sau đây không được coi là đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp:
1. Hình khối, đường nét được quyết định bởi chính chức năng kỹ thuật của sản phẩm (ví dụ: hình dạng lõm của bát, cốc; hình dạng dẹt phẳng của đĩa ghi dữ liệu….)
2. Yếu tố mà sự có mặt của nó trong tập hợp các dấu hiệu không đủ gây ấn tượng thẩm mỹ (ấn tượng về hình dáng sản phẩm không thay đổi khi có mặt và khi không có mặt yếu tố đó).
3. Vật liệu dùng để chế tạo sản phẩm
4. Các dấu hiệu được gắn, dán….lên sản phẩm chỉ để thực hiện chức năng thông tin, hướng dẫn về nguồn gốc, đặc điểm cấu tạo, công dụng, cách sử dụng…sản phẩm đó.
5. Kích cỡ của sản phẩm, trừ trường hợp thay đổi kích cỡ trang trí của mẫu vải và vật liệu tương tự.
Như vậy, để đối chiếu, so sánh kiểu dáng công nghiệp xin đăng ký bảo hộ với các kiểu dáng công nghiệp đã tồn tại trước đó, Cục SHTT cần xem xét đâu là các đặc điểm tạo dáng cơ bản và không cơ bản của những kiểu dáng này và so sánh chúng với nhau./