Câu hỏi: Tôi ở Hà Nội. Tôi đang làm đại lý độc quyền cho một hãng thực phẩm của Hàn Quốc. Nay, có một nhãn hàng mỹ phẩm của Pháp cũng đang liên hệ tôi làm đại lý độc quyền. Luật sư cho hỏi tôi có thể làm đại lý độc quyền cho hai nhãn hàng hay không?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Khoản 2 Điều 169 Luật Thương mại 2005 quy định về các hình thức đại lý như sau:
“2. Đại lý độc quyền là hình thức đại lý mà tại một khu vực địa lý nhất định bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một hoặc một số loại dịch vụ nhất định”.
Điều đó có nghĩa trong một khu vực địa lý nhất định thì có duy nhất một đại lý được quyền mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một hoặc một số loại dịch vụ nhất định. Để trở thành đại lý độc quyền thì bạn và nhà sản xuất nước ngoài phải ký Hợp đồng đại lý độc quyền. Nếu bạn độc quyền phân phối bán hàng cho nhà sản xuất nước ngoài thì hợp đồng phải ghi rõ việc này, họ chỉ có thể giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một hoặc một số loại dịch vụ nhất định trên một khu vực. Bên cạnh đó Khoản 1 Điều 174 Luật Thương mại 2005 quy định về quyền của bên đại lý như sau:
“Điều 174. Quyền của bên đại lý
Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, bên đại lý có các quyền sau đây:
1. Giao kết hợp đồng đại lý với một hoặc nhiều bên giao đại lý, trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 175 của Luật này; …”.
Như vậy pháp luật cho phép giao kết hợp đồng đại lý với một hoặc nhiều nhãn hàng trừ trường hợp tại Khoản 7 Điều 175:
“7. Trường hợp pháp luật có quy định cụ thể về việc bên đại lý chỉ được giao kết hợp đồng đại lý với một bên giao đại lý đối với một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định thì phải tuân thủ quy định của pháp luật đó”.
Như vậy trừ trường hợp bên giao đại lý và bên đại lý có thỏa thuận chỉ được mua bán một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định thì bạn sẽ không thể làm đại lý cho cùng loại hàng hóa, dịch vụ đó của nhãn hàng khác. Tuy nhiên việc hạn chế này chỉ áp dụng cho cùng một loại hàng hóa, dịch vụ và phải có thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng. Trong trường hợp này, bạn đang làm đại lý cho một hãng thực phẩm Hàn Quốc và hiện tại có một hãng mỹ phẩm Pháp liên hệ muốn bạn làm đại lý độc quyền. Phía công ty thực phẩm sẽ không thể hạn chế bạn làm đại lý cho nhãn hàng mỹ phẩm vì sẽ vi phạm thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Do đây là hai mặt hàng khác nhau nên bạn hoàn toàn có thể làm đại lý độc quyền cho cả hai.