Ngày 30/6/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 05/2023/TT-BKHĐT quy định về mẫu báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư; chế độ báo cáo trực tuyến và quản lý vận hành hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước (“Thông tư số 05”). Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2023. Việc ban hành thông tư mới có nội dung liên quan đến báo cáo giám sát và đánh giá các dự án đầu tư đã tạo cơ sở pháp lý cơ bản cho các nhà đầu tư và chủ thể liên quan có thể soi chiếu trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư.
Cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý trong việc ban hành Thông tư số 05
Hiện nay, thúc đẩy phát triển kinh tế có thể coi là một trong những mục tiêu trọng yếu của nước ta. Mục tiêu này đang được thúc đẩy thực hiện bằng nhiều phương thức đa dạng trong đó chú trọng thực hiện các dự án đầu tư. Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, vốn đầu tư trong 9 tháng 2023 ước đạt 2.260,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2022 [1]. Con số trên đã cho thấy các dự án đầu tư đang có tín hiệu phát triển tích cực tại Việt Nam. Từ thực tiễn phát triển trên đặt ra yêu cầu về một hệ thống pháp lý quy định chặt chẽ các vấn đề liên quan đến việc thực hiện báo cáo đánh giá và giám sát các dự án đầu tư.
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, việc thực hiện báo cáo đánh giá và giám sát dự án đầu tư đã được điều chỉnh bởi quy định của nhiều Luật, Bộ luật và nghị định khác nhau. Cụ thể, Điều 72 Luật Đầu tư 2020 quy định nghĩa vụ báo cáo định kỳ hàng tháng và hàng năm của các nhà đầu tư, tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư. Nghị định 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ (“Nghị định 29”) cũng liệt kê những loại báo cáo giám sát và đánh giá đầu tư mà từng đối tượng nhà đầu tư cần thực hiện. Tuy nhiên, các quy định tại Luật và Nghị định này đang chỉ đề cập yêu cầu chung về nội dung, thủ tục thực hiện báo cáo giám sát và đánh giá mà chưa đưa ra mẫu hình thức tương ứng cho các nhà đầu tư thực hiện báo cáo.
Thực tiễn phát triển của các dự án đầu tư cũng như thiếu quy định pháp luật về hình thức của các báo cáo giám sát và đánh giá đặt ra yêu cầu về văn bản pháp lý quy định chi tiết về vấn đề liên quan đến thực hiện báo cáo giám sát và đánh giá. Trong bối cảnh trên, Thông tư số 05 đã được ban hành nhằm quy định về mẫu báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư; chế độ báo cáo trực tuyến và quản lý vận hành hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư chương trình, dự án đầu tư.
Nội dung cơ bản của Thông tư 05/2023/TT-BKHĐT
Thông tư số 05 bao gồm một số nội dung đáng chú ý như sau:
Đầu tiên, thông tư này đã đưa ra 19 mẫu báo cáo giám sát và đánh giá đầu tư được phân loại dựa trên từng đối tượng trong từng giai đoạn cụ thể của dự án. Cụ thể gồm:
- Mẫu báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư cả năm (Mẫu số 01);
- Mẫu báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư công và dự án sử dụng Nhà nước ngoài đầu tư công (Mẫu số 02, 03, 04, 05, 06, 07, 08, 09, 10);
- Mẫu báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Mẫu số 11, 12, 05);
- Mẫu báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác (Mẫu số 13, 14, 15, 16, 17, 18);
- Mẫu báo cáo giám sát đầu tư của cộng đồng (Mẫu số 19).
Bên cạnh đó, Thông tư số 05 còn quy định về báo cáo trực tuyến và quản lý vận hành hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước. Cụ thể, chủ đầu tư, chủ dự án thành phần có trách nhiệm cập nhật thông tin chương trình, dự án theo Quyết định chủ trương đầu tư, Quyết định đầu tư vào Hệ thống trong thời hạn quy định kể từ khi chương trình, dự án được phê duyệt và trong quá trình thực hiện dự án. Thông tư này cũng đề cập đến trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc quản lý vận hành hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư.
[1] Tổng cục thống kê. (2023). Tình hình thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng năm 2023.