Danh sách nguồn luật điều chỉnh hoạt động M&A

Nội dung bài viết

Hoạt động M&A là hoạt động giành quyền kiểm soát doanh nghiệp thông qua hình thức sáp nhập hay mua lại 1 phần (số cổ phần) hoặc toàn bộ doanh nghiệp khác. Mục đích của một thương vụ M&A không đơn thuần chỉ là sở hữu cổ phần, mà nhằm mục đích tham gia và quyết định các vấn đề quan trọng, tác động đến hoạt động kinh doanh, hoạt động quản trị của doanh nghiệp bị sáp nhập/mua lại.

Hoạt động này được điều chỉnh bởi nhiều quy định pháp luật.

Cụ thể:

Luật Cạnh tranh năm 2018

Luật Cạnh tranh nhìn nhận M&A dưới góc độ hành vi tập trung kinh tế bao gồm sáp nhập doanh nghiệp, mua lại doanh nghiệp, hợp nhất doanh nghiệp và liên doanh doanh nghiệp. Đưa ra quy định hạn chế các giao dịch M&A dựa trên thị phần kết hợp của các bên tham gia giao dịch.

Điều 29 đưa ra khái niêm sáp nhập, hợp nhất, mua lại doanh nghiệp. Cụ thể:

- Sáp nhập doanh nghiệp là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập.

- Mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại.

Tuy nhiên, việc sáp nhập doanh nghiệp không được gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam. Cụ thể ở đây là tác động loại trừ, làm giảm, sai lệch hoặc cản trở cạnh tranh trên thị trường. Luật Cạnh tranh năm 2018 có hiệu lực từ ngày 01/07/2019 do đó vẫn chưa có nghị định cụ thể nào quy định chi tiết hơn về các vấn đề trên.

Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực cạnh tranh được quy định trong Nghị định số 75/2019/NĐ-CP hướng dẫn về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh. Tuy nhiên, nghị định này đến ngày 01/12/2019 mới có hiệu lực thi hành.

Vì vậy, các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh liên quan đến M&A trong thời gian này vẫn áp dụng các điều khoản tại Nghị định số 71/2014/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh (Nghị định hết hiệu lực từ ngày 01/12/2019)

Luật Doanh nghiệp năm 2014

Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định hoạt động M&A như một hình thức tổ chức lại doanh nghiệp bao gồm sáp nhập doanh nghiệp và hợp nhất doanh nghiệp. Ngoài ra còn điều chỉnh các cách thức và thủ tục mua cổ phần, mua phần vốn góp, mua lại doanh nghiệp tư nhân, sáp nhập và hợp nhất doanh nghiệp.

Khái niệm hợp nhất và sáp nhập doanh nghiệp cũng được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014, cụ thể là tại Điều 194 và Điều 195.

Cụ thể, theo đó hợp nhất doanh nghiệp là hai hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị hợp nhất) có thể hợp nhất thành một công ty mới (sau đây gọi là công ty hợp nhất) đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất.

Đồng thời trình tự, thủ tục hợp nhất công ty cũng được quy định tại Điều 194 Luật Doanh nghiệp 2014.

Còn sáp nhập doanh nghiệp là việc một hay một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.

Bên cạnh đó trình tự, thủ tục sáp nhập công ty được quy định tại Điều 195 Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Luật Chứng khoán năm 2006 sửa đổi năm 2010

Luật chứng khoán sửa đổi 2010 cũng có quy định về M&A về việc điều chỉnh các hoạt động mua lại và sáp nhập trong lĩnh vực chứng khoán và các công ty đại chúng như chào mua công khai tại Khoản 11 Điều 1 Luật Chứng khoán sửa đổi 2010 sửa đổi, bổ sung Điều 32 Luật chứng khoán 2006.

Đồng thời, quy định về sáp nhập, hợp nhất trong công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ tại Điều 69 Luật chứng khoán 2006, cụ thể:

“Điều 69. Chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ

  1. Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ thực hiện việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi phải được sự chấp thuận của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Thời hạn chấp thuận việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi là ba mươi ngày, kể từ ngày Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

…”

Việc sáp nhập, hợp nhất công ty quản lý quỹ được quy định cụ thể hơn tại Điều 17,18 Thông tư 212/2012/TT-BTC hướng dẫn về thành lập, tổ chức và hoạt động Công ty quản lý quỹ.

Luật Đầu tư năm 2014

Khác với Luật Đầu tư năm 2005, đầu tư thực hiện việc sáp nhập và mua lại doanh nghiệp được coi là hình thức đầu tư trực tiếp thì tại Luật Đầu tư năm 2014 không có quy định về vấn đề này.

Quy định tại Khoản 5 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2014, đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư.

Theo Điều 24 Luật Đầu tư năm 2014 thì nhà đầu tư có quyền mua góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế. Nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế theo quy định của luật này.

Luật Thương mại năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015

Chủ yếu điều chỉnh hoạt động M&A dưới khía cạnh hợp đồng giữa các bên. Các loại hợp đồng này có thể là hợp đồng mua bán cổ phần, hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp, hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng liên doanh, …

Ngoài những văn bản pháp luật đề cập ở trên, khi thực hiện hoạt động M&A còn phát sinh các vấn đề liên quan khác như thuế, kế toán, lao động, sở hữu trí tuệ, …Mỗi lĩnh vực sẽ có văn bản pháp luật điều chỉnh riêng.

Nguồn: https://vi.sblaw.vn/

5/5 (1 Review)

Bài viết liên quan