Xử phạt vi phạm hành chính là một trong những biên pháp để thực thi quyền sở hữu công nghiệp bao gồm biện pháp dân sự, biện pháp hành chính và biện pháp hình sự.
Theo quy định của pháp luật, khi phát hiện ra hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp có quyền yêu cầu chủ thể thực hiện hành vi vi phạm chấm dứt ngay lập tức hành vi vi phạm hoặc khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm quyền và/hoặc bồi thường thiệt hại, xin lỗi, cải chính công khai.
Tuy nhiên, chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp vẫn có quyền nộp đơn yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp thực hiện việc thanh tra, kiểm tra và xử phạt hành vi xâm vi phạm các quy định của pháp luật về sở hữu công nghiệp theo các quy định hiện hành của Luật sở hữu trí tuệ và Luật xử lý vi phạm hành chính.
Theo biện pháp hành chính, chủ thể quyền sở hữu công nghiệp tùy theo từng trường hợp cụ thể, có quyền yêu cầu cơ quan tiến hành xử lý vi phạm hành chính là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; Thanh tra khoa học và công nghệ; Thanh tra Thông tin và truyền thông; Quản lý thị trường; Hải quan hoặc Công an thực hiện hoạt động kiểm tra, thanh tra đối với các chủ thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
Tùy thuộc vào tính chất và mức độ của hành vi vi phạm, chủ thể thực hiện hành vi phạm có thể bị xử phạt tối đa lên đến 250.000.000 VNĐ đối với cá nhận hoặc 500.000.000 VNĐ đối với tổ chức. Mức phạt này được quy định trong nghị định số 99/2013/NĐ-CP được ban hành ngày 29/08/2013 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày hôm nay (15/10/2013). Nghị định này cũng đã thay thế Nghị định số 97/2010/NĐ-CP ngày 21/09/2010. Đối với các hành vi vi phạm đã xảy ra trước ngày 01/07/2013 mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét thì sẽ được áp dụng các quy định có lợi cho tổ chức, cá nhân vi phạm.
Để có thể yêu cầu xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, người yêu cầu phải nộp được các tài liệu chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối với đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ (chẳng hạn như bản sao có chứng thực Văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp, quyết định ghi nhận Hợp đồng chuyển quyền sử dụng quyền sở hữu công nghiệp); tài liệu chứng minh hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm, các tài liệu này có thể là ảnh chụp, video ghi nhận hành vi xâm phạm, bản kết luận giám định của cơ quan giám định về sở hữu công nghiệp. Ngoài ra, Người yêu cầu cũng phải cung cấp được đầy đủ thông tin về chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm để cơ quan có thẩm quyền có đủ cơ sở và căn cứ để ban hành Quyết định thanh tra mà thông thường là các quyết định thanh tra đột xuất tạo điều kiện cho việc kiểm tra, phát hiện, bắt giữ hàng hóa mang dấu hiệu vi phạm, làm cơ sở cho việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Theo quy định các hành vi vi phạm pháp luật hành chính sẽ chịu các mức phạt khác nhau phụ thuộc vào giá trị hàng hóa vi phạm thu giữ được. Trong trường hợp không xác định được giá trị hàng hóa vi phạm thì mức phạt sẽ dựa trên khung mức phạt đã được quy định trong Nghị định số 99/2013/NĐ-CP đã nêu tuy nhiên mức phạt cuối cùng cho mỗi hành vi không được vượt quá mức phạt tối đa đã được quy định (250.000.000 đối với các cá nhân vi phạm và 500.000.000 đối với các tổ chức vi phạm).
Tùy thuộc vào tính chất phức tạp của vụ việc và tài liệu chứng cứ mà Người yêu cầu xuất trình, các tài liệu chứng cứ mà cơ quan có thẩm quyền tự tiến hành thu thập được, thời gian xử lý vụ việc có thể kéo dài trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng.
Trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính, Người yêu cầu (chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp) và chủ thể vi phạm vẫn hoàn toàn có quyền thương lượng với nhau về các vấn đề bồi thường thiệt hại, xin lỗi , cãi chính công khai …. Việc thương lượng thành công trong nhiều trường hợp là cơ sở để Người yêu cầu rút đơn yêu cầu xử lý hành vi vi phạm và có thể được chấp nhận bởi cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trừ trường hợp hành vi vi phạm liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về nhãn hiệu, giả mạo chỉ dẫn địa lý, bao bì, tem nhãn vật phẩm khác mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc việc thỏa thuận giữa các bên xâm phạm quyền và lợi ích của bên thứ ba, của người tiêu dùng và xã hội.
Biện pháp hành chính hiện nay đang được xem là một biện pháp hiệu quả để bảo vệ và thực thi quyền sở hữu công nghiệp do có thời gian xử lý nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm được chi phí.
Luật sư Nguyễn Bùi Anh Tuấn, Công ty Luật S&B Law