XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI HÀNH VI LẤN CHIẾM VỈA HÈ, LÒNG LỀ ĐƯỜNG

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law có bài trả lời phỏng vấn với truyền hình Info TV về vấn đề xử phạt đối với hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường. Dưới đây là chi tiết bài trả lời phỏng vấn:

Câu hỏi 1: Thưa luật sư, việc dẹp vỉa hè, lòng lề đường liên quan đến luật hay các văn bản pháp quy nào? Vì sao?

Luật sư trả lời:

Việc dẹp vỉa hè, lòng lề đường liên quan đến các văn bản sau:

  • Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định các hành vi không được thực hiện như họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ; tụ tập đông người trái phép trên đường bộ; … (Điều 36).
  • Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định người kinh doanh, bán hàng, có hành vi lấn chiếm vỉa hè sẽ bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, nếu có hành vi vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức và thẩm quyền tịch thu phương tiện vi phạm hành chính (Điều 26; Điểm c Khoản 1, Điểm d Khoản 2, Điểm d Khoản 3 Điều 38; Điểm c Khoản 3, Điểm d Khoản 4, Điểm d Khoản 5 Điều 39.
  • Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định thẩm quyền và mức xử phạt vi phạm hành chính với một số hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường (Điều 12; Điểm đ Khoản 3 Điều 70).
  • Nghị định 81/2013/NĐ-CP quy định việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Câu hỏi 2: Việc dẹp vỉa hè, thiết lập lại trật tự lòng lề đường mà Quận 1 - TPHCM tiến hành trong thời gian qua, về mặt luật pháp, có vi phạm gì không? Nếu có, vi phạm điểm gì? Nếu không thì việc Quận 1 ra văn bản yêu cầu cá nhân ông Đoàn Ngọc Hải tạm dừng việc trực tiếp tham gia việc này có thể được hiểu như thế nào?

Luật sư trả lời:

Theo tôi việc dẹp vỉa hè, thiết lập lại trật tự lòng lề đường để giành vỉa hè cho người đi bộ là việc hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, Quận 1 – tp HCM cần thực thi biện pháp cưỡng chế theo trình tự pháp luật, tránh gây bức xúc cho người dân.

Cụ thể:

  • Để trả lại vỉa hè cho người đi bộ, đầu tiên UBND quận 1 và các quận khác nên có cảnh báo, tuyên truyền giáo dục rộng rãi để khơi dậy ý thức chấp hành cho người dân.
  • Nghị định 180/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Theo đó, chương 5 quy định về trình tự, thủ tục xử lý vi phạm như sau:

+ Lập biên bản ngừng thi công xây dựng;

+ Đình chỉ thi công xây dựng;

+ Cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm: thời hạn cưỡng chế từ 3 đến 10 ngày kể từ khi ban hành quyết định đình chỉ thi công. Bên cạnh đó, chủ đầu tư phải chịu toàn bộ chi phí lập phương án phá dỡ và chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ.

  • Khi dẹp vỉa hè, lòng lề đường lực lượng chức năng cần phải tuân thủ về hình thức, trình tự, thủ tục theo Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Câu hỏi 3: Việc chiếm dụng vỉa hè vi phạm quy định nào của pháp luật?

Luật sư trả lời:

Việc chiếm dụng vỉa hè quy định tại Điều 36 Luật Giao thông đường bộ năm 2008:

1. Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông.

  1. Các hoạt động khác trên đường phố phải thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 của Luật này, trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.
  2. Không được thực hiện các hành vi sau đây:

a) Các hành vi quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật này;

b) Đổ rác hoặc phế thải không đúng nơi quy định;

c) Xây, đặt bục, bệ trái phép trên đường”.

Theo đó, chủ thể vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 12 Nghị định 46/2016/NĐ-CP như sau:

“1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 2, Điểm b Khoản 4, Điểm e Khoản 5 Điều này;

b) Phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ.

2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với cá nhân, từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Sử dụng, khai thác tạm thời trên đất hành lang an toàn đường bộ vào mục đích canh tác nông nghiệp làm ảnh hưởng đến an toàn công trình đường bộ và an toàn giao thông;

b) Trồng cây trong phạm vi đất dành cho đường bộ làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông;

c) Chiếm dụng dải phân cách giữa của đường đôi làm nơi: Bày, bán hàng hóa; để vật liệu xây dựng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 4; Điểm d, Điểm e Khoản 5 Điều này;…”.

Ngoài ra, Điều này cũng quy định:

“9. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6, Khoản 7, Khoản 8 Điều này còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: Buộc phải dỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép, biển quảng cáo, di dời cây trồng trái phép, thu dọn rác, vật tư, vật liệu, chất phế thải, hàng hóa, máy móc, thiết bị, các loại vật dụng và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra”.

Như vậy, tổ chức, cá nhân có hành vi lấn chiếm vỉa hè ngoài bị xử phạt hành chính còn bị buộc phải khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm gây ra, tức là hoàn trả lại phần diện tích vỉa hè đã lấn chiếm cho người đi bộ.

Câu hỏi 4: Sau khi ông Hải không trực tiếp tham gia chiến dịch dọn dẹp vỉa hè, vỉa hè ở nhiều nơi tại TPHCM lại bị lấn chiếm. Như vậy, có phải việc vi phạm pháp luật sẽ tiếp tục tái diễn, như trước đây?

Luật sư trả lời:

Sau khi ông Đoàn Ngọc Hải cùng đoàn kiểm tra liên ngành ngừng ra quân dọn dẹp vỉa hè, tình trạng tái lấn chiếm, đậu, đỗ xe trái phép trên vỉa hè lại tái diễn. Nguyên nhân chính khiến vỉa hè bị chiếm dụng là:

  • Do ý thức và thói quen tùy tiện của người dân cộng với sự thiếu quyết liệt của chính quyền.
  • Do khách quan khi tổng lượng xe máy, ô tô cá nhân ở các đô thị lớn vượt quá xa sức chịu tải của khu gửi xe.

Thiết nghĩ, bên cạnh việc thi hành các biện pháp mạnh tay khi xử phạt những cá nhân, tập thể chống đối, cố tình vi phạm việc lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường thì cũng cần phải tuyên truyền, giáo dục một cách sâu rộng trong quần chúng nhân dân thông qua các phương tiện truyền thông, để người dân hiểu, thấm nhuần và thực hiện một cách nghiêm túc, kể cả khi không có sự hiện diện của lực lượng chức năng, giải quyết việc làm cho những người bán hàng rong, bán trên vỉa hè … vì “đòi thì dễ, giữ mới khó”.

>> Xem thêm : Luật sư nói tiếng anh chuẩn tại SBLAW

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan