Trong bài báo :" Xử lý vi phạm bằng hình ảnh " trên báo An Ninh Thủ Đô có ý kiến phân tích của luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn luật sư Hà Nội :
Mời quý vị đón đọc :
Sau 2 ngày lực lượng chức năng xử phạt vi phạm giao thông bằng hình ảnh camera giám sát, người dân rất đồng tình, ủng hộ vì cho rằng biện pháp này sẽ góp phần cải thiện tình hình giao thông trên địa bàn thành phố.
Quy trình “phạt nguội” chặt chẽ, minh bạch khiến người vi phạm tâm phục, khẩu phục
“Phạt nguội” là cần thiết
Là người từng bị xử phạt do vượt đèn đỏ và đi sai làn đường, anh Lê Đình Xuân ở khu đô thị Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm chia sẻ, phản ứng chung của những người vi phạm khi bị CSGT yêu cầu dừng xe là phủ nhận hành vi vi phạm của mình, thậm chí tranh cãi gay gắt để không bị phạt. Tuy vậy, khi CSGT đưa ra hình ảnh ghi đủ ngày giờ, vị trí và lỗi vi phạm, người vi phạm không còn lý do để “cãi cùn”. “Nhiều lần, tôi thấy người điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông nghiêm trọng nhưng khu vực đó chưa có camera giám sát, không có lực lượng CSGT ứng trực. Vì vậy, tôi đề xuất cơ quan chức năng cần có chính sách khuyến khích việc chụp lại những hình ảnh này để có cơ sở xử lý cá nhân vi phạm” - anh Xuân kiến nghị.
Qua 2 ngày xử lý, các lỗi vi phạm bị “phạt nguội” chủ yếu là vi phạm tốc độ, đi sai phần đường, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu… Nhiều ý kiến đánh giá, việc xử lý vi phạm bằng hình thức này chắc chắn sẽ phát huy hiệu quả tích cực trong công tác đảm bảo TTATGT.
Chị Phan Thu Hà - nhân viên Công ty FPT nhận xét, “phạt nguội” với quy trình chặt chẽ, minh bạch sẽ hạn chế được tình trạng tiêu cực, buộc người vi phạm phải tâm phục, khẩu phục. Hơn nữa, biện pháp này còn giúp lực lượng chức năng tiết kiệm được nhân lực, số trường hợp vi phạm bị phát hiện sẽ nhiều hơn.
Ngoài ra, vì có camera giám sát nên người tham gia giao thông sẽ có ý thức tốt hơn trong việc chấp hành luật giao thông, không còn hiện tượng nhìn trước ngó sau, không thấy bóng dáng lực lượng CSGT là phóng nhanh, vượt ẩu. Một số chuyên gia giao thông cho rằng, việc áp dụng khoa học công nghệ trong phát hiện, xử lý vi phạm về TTATGT, giảm bớt áp lực cho lực lượng CSGT, nâng cao hiệu quả công tác xử lý là cần thiết.
Bên cạnh đó, qua những hình ảnh từ camera giám sát, cơ quan chức năng sẽ phát hiện những điểm nào thường xuyên ùn tắc để có biện pháp xử lý kịp thời. “Để biện pháp này phát huy hiệu quả như mong muốn, thời gian tới, thành phố cần đầu tư lắp đặt hệ thống camera hiện đại trên nhiều tuyến đường để tăng cường “phạt nguội” - chị Hà nói.
Quy trình “phạt nguội” chặt chẽ, minh bạch khiến người vi phạm tâm phục, khẩu phục
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Trong quá trình triển khai “phạt nguội”, với một số trường hợp vi phạm, lực lượng chức năng còn gặp khó khăn trong việc xác minh người điều khiển phương tiện vi phạm hoặc chủ phương tiện cố tình không nhận thông báo về hành vi vi phạm của mình. Bên cạnh đó, một số camera đã được lắp đặt có thể gặp trục trặc do bị mất điện, do thời tiết…
Bình luận về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, “phạt nguội” vi phạm luật giao thông tuy mới ở Việt Nam nhưng nhiều nước trên thế giới đã áp dụng khá lâu. Tại một số nước, ngoài camera giám sát giao thông hiện đại được lắp đặt trên các tuyến đường, thiết bị này còn được gắn trên các xe giám sát nhằm phát hiện một cách tối đa các hành vi vi phạm luật giao thông. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý phương tiện của các nước này sẽ thiết lập một cơ sở dữ liệu nhằm kiểm soát chặt chẽ từng phương tiện. Trong đó, có đầy đủ những lần phương tiện đó đã vi phạm như thế nào, các lần sang tên đổi chủ. Do vậy, việc xử lý “phạt nguội” sẽ được tiến hành thuận lợi hơn.
Còn tại Việt Nam, nhiều phương tiện mua đi bán lại nhiều lần vẫn không thực hiện sang tên đổi chủ theo quy định. Trong khi đó, nếu không tìm đúng người vi phạm mà chỉ căn cứ vào giấy tờ, biển số xe do hình ảnh ghi lại để xử lý, có thể sẽ dẫn tới khiếu kiện phức tạp. Ngoài ra, trong điều kiện hệ thống giao thông thông minh chưa được thiết lập, lượng người và phương tiện giao thông tăng nhanh, hệ thống cơ sở hạ tầng thường xuyên quá tải, việc “phạt nguội” cũng gặp nhiều trở ngại. Hơn nữa, do quy trình “phạt nguội” đòi hỏi mất nhiều thời gian nên số trường hợp bị xử lý còn thấp. Mặt khác, các chủ phương tiện cơ giới đường bộ hầu hết không có tài khoản đăng ký như ở các nước khác nên rất khó phạt cưỡng chế.
Để nâng cao hiệu quả trong việc xử lý bằng hình thức “phạt nguội” qua camera giám sát, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của chủ phương tiện khi tham gia giao thông, trong thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền tới người dân, các cơ quan chức năng cần có nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho CSGT xử phạt theo đúng quy định, cải thiện tình hình TTATGT trên các tuyến đường.
Nguồn : http://anninhthudo.vn/an-toan-giao-thong/xu-ly-vi-pham-giao-thong-bang-hinh-anh-nguoi-vi-pham-het-cai-cun/648136.antd