Xóa bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh theo Nghị quyết 68-NQ/TW

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW trả lời kênh VITV về vấn đề Xóa bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh theo Nghị quyết 68-NQ/TW, SBLAW trân trọng giới thiệu nội dung phỏng vấn.

 Thưa ông, trong Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân vừa được Bộ Chính trị ban hành có một nội dung đáng chú ý là xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh. Ông có đánh giá như thế nào về chủ trương này?

Trả lời: Ngày 04/5/2025, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Theo đó, Nghị quyết yêu cầu tập trung quán triệt, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả về hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh như sau. Với một điểm đáng chú ý là chỉ đạo xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026.

Từ góc độ pháp lý, thuế khoán là một hình thức tính thuế trên cơ sở ước tính, chủ yếu áp dụng với các hộ kinh doanh không thực hiện chế độ kế toán, không có hóa đơn chứng từ rõ ràng.

Hình thức này tuy đơn giản, nhưng thiếu cơ sở pháp lý vững chắc về tính công bằng và minh bạch trong thu thuế. Nó cũng tạo ra khoảng trống trong việc giám sát doanh thu thật sự của hộ kinh doanh – từ đó dẫn đến rủi ro thất thu ngân sách và thiếu động lực chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp.

Chủ trương xóa bỏ thuế khoán, theo tôi, là bước đi hướng tới cải cách thể chế thuế, đặt hộ kinh doanh vào cơ chế quản lý tương đồng với doanh nghiệp, theo hướng:

Thứ nhất, Tính thuế dựa trên dữ liệu thực tế, minh bạch, có thể qua hóa đơn điện tử, công cụ kế toán đơn giản;

Thứ hai, Tạo động lực pháp lý để hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp khi đạt quy mô nhất định;

Cuối cùng, Góp phần xóa bỏ tình trạng phân mảnh về quản lý giữa cơ quan thuế và chính quyền cấp xã/phường, vốn tồn tại lâu nay trong việc xác định mức khoán.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng Nghị quyết mới đưa ra định hướng chính sách, việc triển khai còn phụ thuộc vào việc sửa đổi các luật có liên quan như Luật Quản lý thuế, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như các nghị định hướng dẫn thi hành.

Việc xóa bỏ thuế khoán nếu được áp dụng cứng nhắc, thiếu lộ trình, sẽ có nguy cơ gây khó khăn cho nhóm kinh doanh siêu nhỏ, chưa có năng lực kế toán hay hạ tầng số phù hợp.

Vì vậy, trong quá trình xây dựng chính sách cụ thể, cần bảo đảm nguyên tắc khả thi và công bằng, có cơ chế hỗ trợ, tập huấn kế toán đơn giản cho hộ kinh doanh, đồng thời ưu tiên các giải pháp số hóa để tạo điều kiện chuyển đổi thuận lợi và giảm gánh nặng tuân thủ pháp luật thuế.

 

Từ trước tới nay các hộ kinh doanh đều đã quen với việc nộp thuế khoán, vậy khi bãi bỏ hình thức thu thuế này bằng hình thức kê khai hoặc sử dụng hóa đơn điện tử thì các hộ có gặp những khó khăn nào không?

Trả lời: Bãi bỏ hình thức thuế khoán quen thuộc để chuyển sang phương pháp kê khai hoặc sử dụng hóa đơn điện tử chắc chắn sẽ đặt ra nhiều thách thức cho các hộ kinh doanh.

Đầu tiên và quan trọng nhất là sự thiếu hụt kiến thức và kinh nghiệm về hệ thống thuế mới; khác với thuế khoán đơn giản, việc kê khai đòi hỏi hộ kinh doanh phải hiểu cách tính toán doanh thu, chi phí và thuế phải nộp một cách chính xác, điều mà nhiều người chưa từng thực hiện.

Kéo theo đó là gánh nặng về nghiệp vụ kế toán và quản lý hồ sơ: hộ kinh doanh sẽ phải tổ chức ghi chép sổ sách, thu thập và lưu trữ hóa đơn, chứng từ một cách khoa học, một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và thời gian đáng kể.

Bên cạnh đó, việc áp dụng hóa đơn điện tử cũng đặt ra thách thức về công nghệ và chi phí ban đầu, khi hộ kinh doanh cần trang bị thiết bị, phần mềm và làm quen với quy trình sử dụng hệ thống mới, có thể phát sinh chi phí đầu tư ban đầu không nhỏ.

Cuối cùng, sự chuyển đổi này cũng đòi hỏi sự minh bạch cao hơn trong quản lý doanh thu, điều này có thể gây khó khăn cho những hộ kinh doanh vốn quen với hình thức quản lý đơn giản và không chú trọng việc ghi nhận đầy đủ mọi giao dịch trước đây.

Những yếu tố này kết hợp lại tạo nên một quá trình chuyển đổi không dễ dàng, đòi hỏi sự thích ứng và hỗ trợ đáng kể từ các bên liên quan.

Khi chuyển sang phương pháp kê khai hoặc sử dụng hóa đơn điện tử, thủ tục sẽ phức tạp hơn thuế khoán và tăng chi phí cho hộ kinh doanh. Vậy theo ông, chúng ta sẽ cần có lộ trình và biện pháp hỗ trợ cụ thể như thế nào?

Trả lời: Để tiến trình xóa bỏ thuế khoán diễn ra suôn sẻ, các cơ quan quản lý cần triển khai một hệ thống giải pháp đồng bộ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò hỗ trợ chuyển đổi cho hộ kinh doanh.

Việc đẩy mạnh số hóa, đồng thời đơn giản hóa và minh bạch hóa quy trình kế toán, thuế và bảo hiểm xã hội, sẽ giúp hộ kinh doanh từng bước tiếp cận và tuân thủ các chuẩn mực vận hành theo mô hình doanh nghiệp.

Cùng với đó, các công cụ hỗ trợ cần được triển khai một cách thiết thực và hiệu quả, như:

  • Cung cấp miễn phí phần mềm kế toán, nền tảng số dùng chung,
  • Tư vấn pháp lý chuyên biệt,
  • Các chương trình đào tạo thực tế về quản trị doanh nghiệp, kế toán, nhân sự, thuế và pháp luật.

Những chính sách này không chỉ giảm thiểu chi phí chuyển đổi, mà còn tạo điều kiện để hộ kinh doanh tiếp cận tri thức, kỹ năng cần thiết nhằm phát triển bền vững và chính quy.

Song song với đó, việc thúc đẩy thực thi Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia cần được đẩy mạnh hơn nữa, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh.

Đặc biệt, các nhóm yếu thế như phụ nữ, thanh niên, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở vùng sâu, vùng xa cần được ưu tiên hưởng lợi từ chính sách này, góp phần bảo đảm phát triển bao trùm và công bằng trong nền kinh tế.

Về dài hạn, các hộ kinh doanh sẽ dần được đưa vào diện quản lý thuế theo phương pháp kê khai, sử dụng hóa đơn điện tử thông qua máy tính tiền hoặc các ứng dụng công nghệ như eTax Mobile.

Tuy nhiên, so với cơ chế thuế khoán hiện tại, phương pháp này đòi hỏi quy trình phức tạp hơn và chi phí vận hành cao hơn. Vì vậy, việc xây dựng một lộ trình chuyển đổi hợp lý, đi kèm với chính sách hỗ trợ cụ thể, là điều kiện tiên quyết để tránh gây áp lực đột ngột và bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn.

Xem thêm: Tư vấn pháp luật thuế

 

 

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan