Trong bài viết " Vụ xông vào Bệnh viện Đại học Y chém người: Có dấu hiệu của Tội giết người?" đăng trên báo An ninh thủ đô, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Tiến Hòa từ Công ty Luật SBLAW.
Ngày 7-5 vừa qua, một số đối tượng đã xông vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chém người gây thương tích. Với hành vi này, theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội, các đối tượng có thể bị khởi tố về Tội giết người.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, hành vi giết người là hành vi có khả năng gây ra cái chết hoặc chấm dứt sự sống của người khác. Hành vi này được thể hiện bằng hành động hoặc không hành động.
Điều 93 BLHS về Tội giết người quy định, người nào giết người thuộc một trong các trường hợp: Giết nhiều người; Giết phụ nữ mà biết là có thai; Giết trẻ em;Thực hiện tội phạm một cách man rợ; Có tính chất côn đồ; Có tổ chức; Vì động cơ đê hèn…thì bị phạt tù từ 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Phạm tội không thuộc các trường hợp trên thì bị phạt tù từ 7-15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1-5 năm.
Chủ thể của tội giết người là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định. Khách thể của tội này là quyền đươc tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người. Về mặt khách quan, có hành vi tước đoạt mạng sống của người khác được thể hiện qua hành vi dùng mọi thủ đoạn nhằm làm cho người khác chấm dứt sự sống.
Hành vi này được thực hiện bằng các hình thức: Hành động (người phạm tội đã cố tình thực hiện các hành vi mà pháp luật không cho phép nhằm tước đoạt mạng sống người khác như đâm, chém, bắn, đấm đá, đốt cháy, đầu độc, bóp cổ, treo cổ, trói ném xuống vực, xuống sông, chôn sống…) hoặc không hành động (người phạm tội không thực hiện nghĩa vụ phải làm để cứu giúp người khác nhằm giết người).
Các hành vi này nhằm tước đoạt tính mạng người khác và thông thường gây hậu quả trực tiếp làm nạn nhân chấm dứt sự sống. Chỉ cần hành vi mà người phạm tội đã thực hiện có mục đích là chấm dứt sự sống của nạn nhân thì được coi như đã cấu thành tội phạm giết người đù hậu quả chết người có xảy ra hay không. Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp.
Luật sư Nguyễn Tiến Hòa cho rằng, người phạm tội giết người đều có chung một mục đích là tước đoạt tính mạng con người. Ngoài ra, điểm o khoản 1 Điều 93 còn quy định về giết người có tổ chức, đây là trường hợp nhiều người tham gia vào một vụ giết người, có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện việc giết người; có sự phân công; có kẻ chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc giết người. Song việc quyết định hình phạt phải căn cứ vào vai trò, vị trí của từng người tham gia vào vụ án.
So sánh Tội giết người với Tội cố ý gây thương tích, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa chỉ ra một số điểm khác biệt. Đó là về ý thức chủ quan, tội giết người là cố ý giết người và còn tội kia là cố ý gây thương tích. Khi không xác định rõ ý thức chủ quan của bị cáo, nhưng hành vi khách quan thì thể hiện rõ là cố ý tước đoạt sinh mạng của người khác thì bị cáo phạm tội giết người. Như dùng hung khí nguy hiểm như mã tấu, dao nhằm vào những bộ phận quan trọng của cơ thể người khác để chém, đấm, bắn thì cho dù hậu quả không dẫn tới chết người thì cũng phạm tội giết người.
Đối chiếu với vụ việc một số đối tượng xông vào Bệnh viện ĐH Y dùng 2 con dao chém liên tiếp nhiều nhát vào người nạn nhân thì cho dù nạn nhân may mắn thoát chết do được cấp cứu kịp thời nhưng khi sử dụng hung khí thực hiện hành vi này, đối tượng buộc phải nhận thức có thể dẫn tới tước đoạt tính mạng của người khác. Bên cạnh đó, vụ việc còn có nhiều đối tượng cùng tham gia. Do đó, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, các đối tượng xông vào bệnh viện chém anh Đinh Giang Nam có thể bị khởi tố về Tội giết người và tình tiết tăng nặng “Giết người có tổ chức” cũng cần được xem xét kỹ lưỡng - Luật sư Nguyễn Tiến Hòa nhận định!
Nguồn: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/vu-xong-vao-benh-vien-dai-hoc-y-chem-nguoi-co-dau-hieu-cua-toi-giet-nguoi/727223.antd