Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co., Ltd (Trung Quốc) đã được Cơ quan sở hữu trí tuệ (SHTT) của nước này cấp bảo hộ độc quyền đối với 2 nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. Đó là nhãn hiệu 3 chữ Hán kèm dòng chữ "BUON MA THUOT", số đăng ký 7611987 được cấp ngày 14.11.2010; nhãn hiệu logo kèm dòng chữ "BUON MA THUOT COFFEE 1896", số đăng ký 7970830, được cấp ngày 14.6.2011. Việc đánh mất tài sản trí tuệ ở nước ngoài sẽ gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với việc xuất khẩu cà phê Buôn Ma Thuột của Việt Nam.
Vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng nói rất nhiều đến việc Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân (được Cục SHTT Việt Nam cấp văn bằng bảo hộ từ 2005) bị một công ty của Trung Quốc đăng ký bảo hộ độc quyền. Là một giảng viên đại học, đồng thời là người có nhiều nghiên cứu về lĩnh vực SHTT, ông bình luận gì về vấn đề này?
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc mở rộng thị trường ra nước ngoài để tiêu thụ sản phẩm/dịch vụ của mình là hướng đi sống còn của các doanh nghiệp. Trong quá trình này, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thành công, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều doanh nghiệp thất bại, trong những thất bại này có việc doanh nghiệp đã tự đánh mất tài sản trí tuệ của mình tại thị trường nước ngoài.
Tài sản trí tuệ mà tôi đề cập ở đây được giới hạn bởi nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý – hai trong nhiều đối tượng được bảo hộ quyền SHTT.
Theo quy định của Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp (SHCN), việc bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý tuân theo nguyên tắc độc lập, có thể diễn đạt nguyên tắc này bằng ví dụ: Quốc gia Q1 bảo hộ nhãn hiệu H cho sản phẩm S thì không nhất thiết quốc gia Q2 cũng phải bảo hộ nhãn hiệu H cho sản phẩm S, ngược lại khi quốc gia Q2 từ chối bảo hộ nhãn hiệu H cho sản phẩm S thì không nhất thiết quốc gia Q3 cũng phải từ chối bảo hộ nhãn hiệu H cho sản phẩm S.
Như vậy, khi Cục SHTT Việt Nam cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân thì không bắt buộc các quốc gia khác cũng phải bảo hộ đối tượng này. Cũng lưu ý rằng, có rất nhiều chỉ dẫn địa lý được các quốc gia trên thế giới bảo hộ, nhưng cho đến thời điểm này Việt Nam mới bảo hộ 3 chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc từ nước ngoài.
Việc trong khoảng thời gian từ 2005 đến 2011, chúng ta không tiến hành các thủ tục pháp lý để “Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân” được bảo hộ tại Trung Quốc, đó là lỗi của chúng ta.
Ông có thể nói rõ hơn về những hậu quả mà chúng ta sẽ phải gánh chịu qua sự việc vừa nêu?
Trong quá khứ, một số doanh nghiệp Việt Nam đã bị mất tài sản trí tuệ của mình tại thị trường nước ngoài, thì đó cũng chỉ là tài sản trí tuệ của riêng doanh nghiệp.
Khác với những lần trước trong quá khứ, lần này đối với Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột cho cà phê nhân thì không phải là tài sản trí tuệ của riêng doanh nghiệp nào nữa, mà đây là tài sản trí tuệ do Nhà nước là chủ sở hữu, của “chúng ta”. Nhưng trách nhiệm cụ thể thuộc về tổ chức đã được Nhà nước giao quyền quản lý Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân.
Sự việc này ảnh hưởng tiêu cực ra sao đối với uy tín của cà phê Buôn Ma Thuột trên thị trường thế giới, đã có rất nhiều ý kiến đề cập, nên tôi xin phép không làm mất thời gian của độc giả.
Tôi xin đề cập ở khía cạnh khác. Nếu chúng ta không dành lại được quyền sở hữu đối với nhãn hiệu "BUON MA THUOT & chữ Trung Quốc" và "BUON MA THUOT COFFEE 1896 & logo" do Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co., Ltd. đã đăng ký bảo hộ độc quyền tại Trung Quốc, thì:
1. Hậu quả chắc chắn: Chúng ta không thể xuất khẩu cà phê mang Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột sang thị trường Trung Quốc.
2. Hậu quả có thể: Xin lưu ý rằng, chưa có nhà quản lý, nhà khoa học cảnh báo về “hậu quả có thể” mà chúng ta phải gánh chịu. Đó là, nếu Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co., Ltd. sử dụng quyền ưu tiên 6 tháng đối với nhãn hiệu theo quy định của Công ước Paris để phát triển hai nhãn hiệu trên sang thị trường của các quốc gia là thành viên của Công ước Paris (số lượng các quốc gia này rất lớn, trong đó phải kể đến Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu). Mặt khác, Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co., Ltd. cũng có thể đã sử dụng Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa và Nghị định thư liên quan đến Thỏa ước Madrid để phát triển hai nhãn hiệu trên ra thị trường nước ngoài. Nhắc đến khía cạnh này, có lẽ chúng ta sẽ rất buồn vì Việt Nam và Trung Quốc đều là các quốc gia đã phê chuẩn cả 3 văn bản quốc tế vừa nêu trên, trong khi đó chúng ta không biết tận dụng ưu thế mà cả 3 văn bản này quy định, để đến mức tự đánh mất tài sản trí tuệ của mình.
Theo ông, chúng ta có thể dành lại quyền sở hữu “Buôn Ma Thuột cho cà phê nhân” tại thị trường Trung Quốc không? Những công việc cụ thể cần phải làm để dành lại quyền sở hữu đó là gì?
Điều 10.8 Luật nhãn hiệu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trademark Law of the People’s Republic of China) quy định: Các tên địa lý như các đơn vị hành chính, tên địa lý nước ngoài được công chúng biết đến không được sử dụng là nhãn hiệu. Như vậy, chúng ta có thể sử dụng pháp luật của Trung Quốc để bảo vệ quyền đối với tài sản trí tuệ của chúng ta. Các công việc cần phải làm là:
- Phải tiến hành các thủ tục pháp lý, lưu ý không phải ai trong số mỗi người Việt Nam đều có thể tiến hành thủ tục pháp lý này, mà phải là người “có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan” mới đủ tư cách pháp lý. Như trên đã nói, quyền sở hữu đối với Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân là Nhà nước. Trong trường hợp này, tổ chức được Nhà nước ủy quyền quản lý Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân mới đủ tư cách để tiến hành hoặc ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác tiến hành các thủ tục pháp lý.
- Chứng minh địa danh Buôn Ma Thuột đã được công chúng Trung Quốc biết đến. Có thể làm được điều này, vì: Buôn Ma Thuột là tên địa danh; đến thời điểm này, chúng ta đã tổ chức 3 lần Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột (vào các năm 2005, 2008 và gần đây nhất vào tháng 3.2011), Lễ hội này đã được Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp; tham dự Lễ hội có nhiều quan khách quốc tế, trong đó có các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, bởi vậy các doanh nghiệp Trung Quốc không thể đưa ra lập luận rằng, họ không biết đến tên địa danh Buôn Ma Thuột.
Như vậy, khả năng giành lại “Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân” tại thị trường Trung Quốc là có thể. Nhưng (lại nhưng)… rất buồn mà phải nói thêm rằng, có thể chúng ta giành lại “Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân” tại thị trường Trung Quốc, nhưng có thể chúng ta sẽ mất “Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân” tại thị trường các nước mà Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co., Ltd. đã phát triển hai nhãn hiệu trên.
Khi khả năng xấu này xảy ra thì, chúng ta có thể giành lại quyền sở hữu “Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân” tại thị trường các nước mà Luật Nhãn hiệu có điều khoản quy định tương tự như điều 10.8 Luật Nhãn hiệu Trung Quốc, với điều kiện phải làm thủ tục pháp lý đối với lần lượt từng quốc gia. Chúng ta chắc chắn mất quyền sở hữu “Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân” tại thị trường các nước mà Luật Nhãn hiệu không có điều khoản quy định tương tự như điều 10.8 Luật Nhãn hiệu Trung Quốc.
Qua sự việc này, ông có thể nêu ra bài học gì cho các doanh nghiệp Việt Nam?
Các doanh nghiệp phải nắm được nguyên tắc bảo hộ độc lập nhãn hiệu, theo quy định của Công ước Paris, có nghĩa là văn bằng bảo hộ do Cục SHTT Việt Nam cấp thì nó chỉ có hiệu lực bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam. Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tự đánh mất quyền sở hữu đối với nhãn hiệu của mình khi không nắm được nguyên tắc này. Mỗi doanh nghiệp, khi được Cục SHTT Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thì không nên cho rằng mình có quyền xuất khẩu sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ, cần lưu ý phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại quốc gia mà mình dự định xuất khẩu sản phẩm/dịch vụ.
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp đối với tài sản trí tuệ của doanh nghiệp ở nước ngoài, chúng ta phải làm gì, thưa ông?
Các doanh nghiệp nên dự kiến thị trường mà mình sẽ xuất khẩu sản phẩm/dịch vụ để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại quốc gia có thị trường.
Trước hết, nên sử dụng quyền ưu tiên 6 tháng đối với nhãn hiệu theo quy định của Công ước Paris (như đã nói số lượng các quốc gia thành viên của Công ước Paris rất lớn, trong đó có Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu) để phát triển nhãn hiệu của mình. Có thể lấy ví dụ: Ngày 1.1.2011, doanh nghiệp A nộp đơn yêu cầu Cục SHTT Việt Nam bảo hộ nhãn hiệu H cho sản phẩm S; ngày 2.1.2011, doanh nghiệp B nộp đơn yêu cầu Cơ quan SHTT Trung Quốc bảo hộ nhãn hiệu H cho sản phẩm S; ngày 30.6.2011, doanh nghiệp A nộp đơn yêu cầu Cơ quan SHTT Trung Quốc bảo hộ nhãn hiệu H cho sản phẩm S. Khả năng doanh nghiệp A (chứ không phải doanh nghiệp B) sẽ được Cơ quan SHTT Trung Quốc bảo hộ nhãn hiệu H cho sản phẩm S.
Sau nữa, các doanh nghiệp Việt Nam nên:
- Sử dụng Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa để phát triển nhãn hiệu của mình sang thị trường các nước khác đối với trường hợp đã được Cục SHTT Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
- Sử dụng Nghị định thư liên quan đến Thỏa ước Madrid để phát triển nhãn hiệu của mình sang thị trường các nước khác đối với trường hợp đã nộp đơn yêu cầu Cục SHTT Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Cũng cần nói thêm rằng, Cục SHTT Việt Nam đã tư vấn thành công rất nhiều trường hợp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các doanh nghiệp Việt Nam đối với tài sản trí tuệ của mình.
Xin cảm ơn ông.
sblaw.vn(Theo brando.vn)