Trong bài "Vụ Nga – Mỹ: Nếu “hợp đồng tình ái” có thật, điều gì sẽ xảy ra?" đăng trên báo Dân Việt có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết của bài viết:
Một trong những vấn đề bạn đọc quan tâm trong phiên tòa xét xử hoa hậu Phương Nga là “hợp đồng tình ái” giữa Phương Nga và đại gia Cao Toàn Mỹ mà Phương Nga nói đến. Dưới góc nhìn pháp lý, Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thanh Hà (Giám đốc Công ty Luật SBLAW).
Nếu hợp đồng tình ái giữa hoa hậu Phương Nga với ông Toàn Mỹ là có thật, hợp đồng này có giá trị không thưa luật sư?
Trước tiên phải hiểu rõ bản chất của hợp đồng. Theo quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015 thì “ Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.Khoản 2, Điều 3, Bộ luật Dân sự quy định: “2. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận.
Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”.Ngoài ra, cần hiểu là pháp luật nước ta không thừa nhận “Hợp đồng tình dục”.
Căn cứ những quy định nêu trên, nếu hoa hậu Phương Nga giao kết một hợp đồng như thế thì thực chất đây là việc mua, bán dâm. Hợp đồng đó không những vi phạm pháp luật, mà còn làm băng hoại đạo đức xã hội, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Dư luận cần phải lên án.Điều 123 BLDS quy định: “Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội. Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.”
Vậy pháp luật sẽ xử lý thế nào nếu như "Hợp đồng tình ái" này có thật giữa cô Phương Nga và ông Toàn Mỹ?
- Theo quy định tại Điều 407 BLDS thì đó là hợp đồng vô hiệu. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại Điều 131, BLDS, theo đó: Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
Như vậy là nếu hoa hậu Phương Nga nhận của ông Toàn Mỹ 16,6 tỷ đồng để thực hiện “Hợp đồng tình ái” thì Phương Nga sẽ phải trả lại tiền cho ông Cao Toàn Mỹ?
- Đúng như vậy!
Nếu có "Hợp đồng tình ái", điều gì sẽ xảy ra với hoa hậu Phương Nga?
- Như đã nói bản chất của hợp đồng tình ái nêu trên thực ra đó là là việc mua, bán dâm. Đối chiếu với quy định của pháp luật, chúng ta sẽ thấy rõ điều đó. Theo quy định của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm 2003 thì:
Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác. Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu.
Người mua bán dâm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình”.
Nguồn: http://m.danviet.vn/ban-doc/vu-nga-my-neu-hop-dong-tinh-ai-co-that-dieu-gi-se-xay-ra-782813.html